Cỏ nến hay bồ hoàng là vị thuốc có vị ngọt, tính bình, thường được sử dụng để điều trị đau bụng kinh, tiểu tiện khó khăn, ghẻ lở, ngứa da.
Cỏ nến hay bồ hoàng là vị thuốc có vị ngọt, tính bình, thường được sử dụng để điều trị đau bụng kinh, tiểu tiện khó khăn, ghẻ lở, ngứa da.
Cỏ nến là một thứ cỏ cao 1,5 – 3 mét, lá dài và hẹp, quả nhỏ hình thoi. Cụm hoa của nó giống cây nến nên có tên gọi Cỏ nến. Ngoài ra, nó còn có các tên như Bồ thảo, Hương bồ thảo.
Cỏ nến mọc hoang ở các vùng đầm lầy miền bắc nước ta như Sapa, Hà Nội… Vào tháng 4 – 6, cắt lấy phần trên của bông hoa (phần hoa đực), phơi khô. Giã hay giũ lấy phấn hoa, rây qua rây, sau đó phơi lần nữa được vị thuốc Bồ hoàng.
Theo các tài liệu y học cổ truyền, dược liệu có vị ngọt, tính ấm, không độc, quy kinh can, tỳ, tâm bào.
Cỏ nến có tác dụng hoạt huyết, điều trị các tình trạng huyết ứ gây đau bụng, đau ngực, đau bụng kinh; điều kinh, cầm băng huyết, thông tiểu tiện. Nó còn có tác dụng chỉ huyết (ngưng chảy máu), điều trị tình trạng chảy máu ngoài da do chấn thương, nôn ra máu, ho ra máu, tiểu máu…
Dược liệu cỏ nến phá huyết (trị huyết ứ) thì dùng sống, cầm máu thì sao đen. Dùng sống chữa kinh nguyệt không thông, đau ngực, đau bụng, tiểu tiện khó khăn. Dùng sao đen chữa xuất huyết, chảy máu cam, tiểu máu…
Tài liệu ngày nay cho thấy để có tác dụng cầm máu, không nhất thiết phải sao đen.
Liều dùng và cách dùng
Liều dùng: 3 – 20g, bọc lại lúc cho vào thang thuốc, bôi đắp ngoài tùy theo yêu cầu.
Kiêng kỵ: phụ nữ có thai không dùng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Thị Tĩnh – giảng viên khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Lương Thế Vinh chia sẻ một số bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu cỏ nến như sau:
Đơn thuốc điều trị cầm máu: Bồ hoàng 5g, cao Ban long 4g, Cam thảo 2g, nước 600ml, sắc còn 200ml. Chia thành 2 hay 3 lần, uống trong ngày.
Điều trị tai chảy mủ: Bồ hoàng tán nhỏ, rắc vào tai.
Điều trị nhiễm trùng tiểu thể huyết lâm
Ở thể bệnh này, người bệnh nhiễm trùng tiểu có triệu chứng tiểu khó, tiểu đau, nóng rát đường tiểu, tiểu máu, kèm sốt.
Bài thuốc Tiểu kế ẩm: Sinh địa 40g, Tiểu kế 20g, Hoạt thạch 12g, Mộc thông 12g, Bồ hoàng sao 20g, Đạm trúc diệp 12g, Ngẫu tiết 30g, Đương quy 20g, Chi tử 12g, Trắc bá diệp 20g.
Điều trị bế kinh, đau bụng kinh có thể dùng các bài thuốc:
Bài thuốc Thất tiêu tán: Bồ hoàng, Ngũ linh chi lượng bằng nhau, tán thành bột mịn. Mỗi lần uống 4 – 6g, ngày 2 lần, uống với rượu ấm.
Bài thuốc Bồ hoàng hắc thần tán: Bồ hoàng 10g, Hương phụ 6g, Bào khương thán 3g, Đậu đen 15g, sắc uống.
Bồ hoàng 15g, Đơn sâm 30g, Ngũ linh chi 15g, sắc nước uống.
Trị xuất huyết do nhiệt có thể dùng các bài thuốc sau:
Bài thuốc Bồ hoàng thang: Bồ hoàng thán (Bồ hoàng sao đen) 10g, nước và rượu mỗi thứ một nửa, sắc uống. Trị ho ra máu, chảy máu cam, tiểu máu, xuất huyết tử cung.
Bồ hoàng thán, Ngó sen thán, mỗi thứ 15g, sắc uống. Trị xuất huyết tử cung cơ năng (nếu người bệnh yếu gia Hoàng kỳ 30g, Đảng sâm 25g).
Bài thuốc Bồ hoàng tán: Bồ hoàng 10g, Đông quỳ tử 10g, Sinh địa 15g, sắc uống, trị tiểu máu.