Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.
Trong bối cảnh những năm gần đây, ngoài lựa chọn đa dạng phương thức tuyển sinh đại học để đảm bảo chất lượng đầu vào, xu hướng của nhiều trường đại học là mở thêm ngành mới nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Tuy nhiên việc mở thêm ngành mới không hề đơn giản, không phải việc cứ muốn là làm được. Nó phải có kế hoạch, lộ trình, các trường phải chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần và đủ, phải có cơ sở đảm bảo hoạt động hiệu quả khi đưa ra quyết định mở thêm ngành đào tạo mới. Trước thực trạng đó, mới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT, được xem như “Kim chỉ nam” định hướng cho các cơ sở giáo dục đào tạo khi có ý định mở thêm ngành mới. Cụ thể, thông tư quy định rõ điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.
Trước đó, tại Thông tư số 09/2017/TT-BGDĐT ngày 4/4/2017, Thông tư số 22/2017/TT-BGDĐT ngày 6/9/2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và một số văn bản quy phạm pháp luật khác cũng đã có đề cập đến các điều kiện, trình tự, thủ tục mở hoặc đình chỉ hoạt động ngành đào tạo. Tuy nhiên hầu hết các thông tư trên lại thiếu tập trung, hoặc chưa nhất quán dẫn đến rất nhiều khó khăn trong việc tra cứu thông tin cho các trường, các học viên. Để khắc phục nhược điểm này, đảm bảo thống nhất các quy định trên thành một mối trong cùng một văn bản quy phạm; bảo đảm đồng bộ trong việc mở ngành đào tạo các trình độ của giáo dục đại học Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT đã ra đời.
Thông tư này vẫn bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định về lĩnh vực giáo dục đại học tại các Thông tư mà Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành. Cụ thể bảo đảm thống nhất với các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (Luật số 34) và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật này.
Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT quy định rõ những điều kiện cần và đủ khi mở ngành đào tạo. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh những quy định cụ thể về các trường hợp cơ sở đào tạo bị đình chỉ hoạt động ngành đào tạo, phù hợp với quy định của Luật số 34 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP cũng như các quy định hiện hành của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, cùng các quy định về việc cho phép hoạt động ngành đào tạo trở lại.
Thông tư quy định cụ thể 2 trường hợp cơ sở đào tạo bị đình chỉ hoạt động ngành đào tạo của cơ sở đào tạo như: Tự chủ mở ngành khi chưa đủ điều kiện theo quy định; tự chủ mở ngành khi chưa đủ một trong các điều kiện quy định. Quy định cụ thể, cơ sở bị đình chỉ ngành đào tạo sẽ không được tự chủ mở ngành trong 5 năm.
Trong bối cảnh tự chủ như hiện nay, sự ra đời của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT chính là cơ sở pháp lý để các trường mở ngành chuẩn chỉ, không bị trượt theo vết xe đổ của một số cơ sở đại học từng mắc lỗi hoặc sai phạm khi mở ngành đào tạo mới.
Trường đại học Lương Thế Vinh năm nay cũng đang dự kiến mở thêm ngành đào tạo mới như: Luật, Y dược… Ban lãnh đạo nhà trường bày tỏ tâm đắc, cho biết Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT là “kim chỉ nam” để các trường không “chệch hướng”.