Theo một công bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào đầu tháng 3/2022, đại dịch COVID-19, đã làm gia tăng tỷ lệ lo âu và căn bệnh trầm cảm lên 25%.
Theo một công bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào đầu tháng 3/2022, đại dịch COVID-19, đã làm gia tăng tỷ lệ lo âu và căn bệnh trầm cảm lên 25%.
Ghi nhận của ban tuyển sinh, trường đại học Lương Thế Vinh, theo báo cáo của Viện sức khoẻ tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm Việt Nam có hơn 40.000 người tự tử do trầm cảm. Điều đáng lo ngại, trong thời gian gần đây có sự gia tăng đáng kể của bệnh nhân trẻ tuổi là học sinh sinh viên mắc các rối loạn liên quan đến căng thẳng, stress, trầm cảm. Và trong số đó, đã nhiều người tìm đến cái chết.
Chỉ trong một thời gian ngắn, liên tiếp xảy ra các vụ việc thương tâm khi các em học sinh đang ở độ tuổi đẹp đẽ nhất lại tìm đến cái chết:
Cụ thể, vào rạng sáng 1/4, một nam sinh đang theo học trường chuyên cấp 3 ở Hà Nội đã để lại thư tuyệt mệnh rồi trèo qua ban công căn hộ ở tầng 28 rồi nhảy xuống tự tử.
Trước đó, vào sáng 31/3, một nữ sinh lớp 8 của Trường THCS Đại Phúc, TP Bắc Ninh được gia đình phát hiện tử vong trong tư thế treo cổ tại phòng.
Vào ngày 21/2 tại trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, quận 4, TP HCM cũng xảy ra một việc tương tự, khi một nữ sinh lớp 10 bất ngờ nhảy lầu tự tử trong giờ ra chơi. Sự ra đi của em đã gây ám ảnh lớn không chỉ cho gia đình, thầy cô, bạn bè mà cho tất cả những người đang làm bố làm mẹ.
Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quyền trẻ em chị Phan Lan Hương chia sẻ:“Thực ra thì khi nghe đến thông tin các bạn nhỏ tự tử với rất nhiều nguyên nhân. Thì đứng dưới góc độ vừa là phụ huynh, vừa dưới góc độ một nhà bảo vệ trẻ em thì mình cảm thấy rất là đau lòng. Cảm thấy đau lòng và cảm thấy mình cũng bị tổn thương rất là nhiều trước những thông tin như vậy.” Trầm cảm do áp lực học tập là vấn đề xảy ra trong nhiều mái nhà. Tuy nhiên, đến khi con cái tìm đến các hành động tiêu cực thì phụ huynh mới bàng hoàng nhận ra.
Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết thường xuyên tiếp nhận các bạn trẻ tới thăm khám, thậm chí phải nhập viện điều trị vì gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần như rối loạn cảm xúc, trầm cảm do áp lực học tập. Theo một báo cáo của Viện này, ở lứa tuổi học sinh, sinh viên, tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm cao hơn so với nhóm quần thể chung từ 4% đến 6%. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của internet, chất kích thích và nhiều nguyên nhân khác.
Về sinh lý học, các em chưa hoàn thiện đầy đủ về cơ thể cũng như trí não. Do đó các em rất dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài như môi trường, xã hội, từ đó các em có thể có những suy nghĩ lệch lạc”. TS. BÁC SĨ NGUYỄN VĂN DŨNG - Phó Viện trưởng Viện Sức khoẻ tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.
Chia sẻ với ban tuyển sinh đại học, trường đại học Lương Thế Vinh, Chị Phan Lan Hương - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quyền trẻ em phân tích thêm: “Thực ra các nhà tham vấn về tâm lý cũng chỉ đóng vai trò trong cái việc hỗ trợ trẻ ổn định về mặt tâm lý thôi. Vấn đề quan trọng nhất vẫn là gia đình. Rất nhiều bố mẹ không quan tâm đến trẻ. Thậm chí là quan tâm trẻ theo một cách riêng của họ. Cái vấn đề quan trọng nhất đối với trẻ vị thành niên là quan tâm đến cảm xúc, tâm lý của trẻ. Chứ không phải là quan tâm đến việc điểm số hay ăn mặc đẹp hay chất lượng cuộc sống như thế nào.”
Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh đưa ra giải pháp, theo hiệu trưởng những rối loạn về sức khỏe tâm thần có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển, việc học tập và cả tương lai của thanh thiếu niên. Vì vậy cần có sự quan tâm, phối hợp thường xuyên của gia đình và nhà trường, giáo dục và đồng hành cùng các em. Và mong rằng đây cũng là lời cảnh tỉnh cho các ông bố, bà mẹ, đã đến lúc thay đổi tư duy về cách dạy con, làm bạn với con.