Kinh doanh, Tài chính – Kế toán đang là những ngành dẫn đầu trong những ngành học được du học sinh Việt Nam lựa chọn nhiều nhất ở Anh.
Kinh doanh, Tài chính – Kế toán đang là những ngành dẫn đầu trong những ngành học được du học sinh Việt Nam lựa chọn nhiều nhất ở Anh.
Theo tìm hiểu của Ban Tư vấn du học, Trường Đại học Lương Thế Vinh, 2 ngành học đang được du học sinh Việt Nam lựa chọn nhiều nhất tại Anh là ngành Kinh doanh, Tài chính.
Tại hội thảo về chính sách học bổng và thị thực Anh ngày 30/9, bà Hiền Lê - Quản lý bộ phận Giáo dục tại Hội đồng Anh cho biết: dù có chiều hướng giảm, nhưng ngành Quản trị Kinh doanh, Tài chính - Kế toán, Kinh tế đang là những ngành học được nhiều sinh viên Việt theo học nhất ở Anh. Ngoài ra, một số ngành được quan tâm khác như: Du lịch, Công nghệ thông tin, Giáo dục, Đào tạo giáo viên, Công nghệ sinh học và Khoa học Y sinh.
12.000 sinh viên Việt theo học tại Anh, xếp thứ 4 (sau Australia, Mỹ, Canada) trong 10 nước có nhiều du học sinh Việt Nam nhất, theo thống kê của Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD&ĐT năm 2019.
Theo HESA, cơ quan thống kê dữ liệu giáo dục đại học Vương quốc Anh, giai đoạn 2015 - 2021 ngành Kinh doanh dẫn đầu với 3.275 sinh viên Việt Nam theo học, đứng thứ hai là ngành Tài chính với 1.605 sinh viên và thứ ba là ngành Quản lý học với 1.550 sinh viên. Những ngành được ưa chuộng tiếp theo là Marketing, Kinh tế, Du lịch và Vận tải, Luật, Khoa học máy tính...
Hiếu Vương, thạc sĩ ngành Kinh doanh ở Warwick Business School cho rằng, cơ hội việc làm lớn và mức lương ổn định là lý do nhiều du học sinh Việt chọn theo học các ngành kinh tế ở Anh. Riêng ngành Kinh doanh, mức lương trước thuế cho ứng viên mới ra trường làm việc tại những công ty dịch vụ chuyên nghiệp ở London khoảng 25.000 đến 35.000 bảng Anh một năm. Đó là lý do Vương theo học ngành này sau khi tốt nghiệp ngành Chính trị và Quan hệ quốc tế ở bậc đại học.
Còn với Ngô Sơn, có hai lý do cho việc lựa chọn theo học ngành Tài chính - Kế toán cách đây 12 năm. Thời điểm đó, chính phủ Anh có chính sách ưu tiên gia hạn thị thực cho người nước ngoài ở một số ngành nghề vì thiếu nhân lực chất lượng cao, trong đó có ngành Tài chính, Kế toán. Ngoài ra, Ngô Sơn nhận định việc chọn ngành dễ ứng dụng, không quá nặng học thuật, có thể dễ tìm việc hơn.
Sơn làm cho một công ty tài chính sau khi tốt nghiệp, rồi chuyển sang PwC, một trong bốn công ty kiểm toán lớn nhất thế giới, trước khi làm việc cho một công ty rượu vang.
"Học ngành Tài chính, Kế toán tại Anh, bạn nhảy sân nào cũng được vì công ty nào cũng cần người hiểu biết về lĩnh vực này, kể cả một hàng bán phở" - Sơn nói.
Thời điểm đại dịch Covid-19, không ít người có năng lực và bằng cấp cao khó tìm việc nhưng ngành của anh vẫn có công việc đều đặn, thậm chí nhiều việc hơn.
Theo công bố năm 2022 của ICAEW (Viện Kế toán Công chứng Vương quốc Anh và xứ Wales), mức lương trung bình của một người có chứng chỉ kế toán do viện này cấp là 50.000 bảng Anh một năm.
Lê Thị Tố Uyên, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Vương quốc Anh cho rằng, du học sinh nên định hướng chọn ngành học dựa trên thế mạnh bản thân, cơ hội nghề nghiệp cũng như nhu cầu của thị trường Anh sau khi tốt nghiệp. Cụ thể, ứng viên có thể tìm hiểu thêm thông tin các ngành nghề tốt nhất nước Anh, mức lương cụ thể và dự báo số nhân lực thị trường cần. Hiện chính phủ Anh có chính sách mở cửa hơn, du học sinh tốt nghiệp xong sẽ được thị thực ở lại hai năm tìm việc.
Với ngành Tài chính - Kế toán, Ngô Sơn cho rằng ứng viên chỉ nên học lên cao nếu muốn theo hướng học thuật. Còn nếu làm việc tại các công ty, mức lương của người có bằng cử nhân không quá khác biệt so với có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ.
Tuy nhiên, Hiếu Vương lưu ý, ngành học không phải là tất cả. Bản thân anh đã phỏng vấn và nhận nhiều ứng viên nhưng không nhớ họ học ngành gì, quan trọng là kỹ năng trau dồi kiến thức, thái độ và tiềm năng phát triển.
"Ở Anh, thị trường việc làm rất cởi mở và họ chú trọng vào kỹ năng cốt lõi của ứng cử viên", Hiếu chia sẻ.