Bộ GD&ĐT cho biết, năm 2022, một số trường có quá nhiều phương án tuyển sinh phức tạp, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, gây khó khăn cho thí sinh và Hệ thống.
Bộ GD&ĐT cho biết, năm 2022, một số trường có quá nhiều phương án tuyển sinh phức tạp, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, gây khó khăn cho thí sinh và Hệ thống.
Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 khối giáo dục đại học vừa diễn ra hôm qua (12/9), nhiều chuyên gia giáo dục đã chỉ ra rằng: Trong kỳ tuyển sinh đại học 2022, một số trường có quá nhiều phương án tuyển sinh phức tạp, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, gây khó khăn cho thí sinh và Hệ thống.
Theo thống kê của Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD&ĐT, số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 là 1.002.525 thí sinh. Trong đó, số thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng (ngành giáo dục mầm non) là 642.270 nguyện vọng (chiếm 64,07% số thí sinh đăng ký dự thi).
Tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng (ngành giáo dục mầm non) năm nay là 3.068.538 nguyện vọng (năm ngoái là 3.920.375).
Bộ GD&ĐT cho hay, năm 2022, một số trường có quá nhiều phương án tuyển sinh phức tạp, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, gây khó khăn cho thí sinh và hệ thống. Bên cạnh đó, năm nay gặp phải vấn đề là nhiều trường xét tuyển sớm không dự báo được thí sinh ảo.
Cụ thể, theo phương thức xét tuyển sớm, trung bình một thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển vào 2,3 nguyện vọng. Qua thống kê, trong tổng số gần 400.000 thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển phương thức xét tuyển sớm, chỉ có 35% thí sinh đăng ký Nguyện vọng 1; có đến 30% thí sinh đăng ký các nguyện vọng khác không phải Nguyện vọng 1. Còn lại 35% không đăng ký vào nguyện vọng xét tuyển sớm nào.
Vì vậy, Bộ GD&ĐT xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết trong năm học tới.
Bộ GD&ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục đại học hoàn thiện đề án tuyển sinh năm 2023, trong đó lưu ý các phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành, tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối.
Ông Nguyễn Phong Điền, phó hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, những điểm mới trong xét tuyển năm nay, trong đó có việc đăng ký xét tuyển, nộp lệ phí xét tuyển trên nền tảng số từng gây nhiều ý kiến trái chiều, nhưng cho tới thời điểm này đa số các trường đã xét tuyển ổn thỏa. Số thí sinh trúng tuyển tương ứng với chỉ tiêu tuyển sinh.
“Tôi thấy quy chế trao quyền tối đa cho thí sinh trong việc đăng ký nguyện vọng và trúng tuyển với nguyện vọng ưu tiên cao nhất là hướng đi đúng đắn. Các cơ sở giáo dục đại học cần tập trung nhiều hơn để đưa ra các phương án tuyển sinh nâng cao chất lượng chứ không chỉ đặt mục tiêu về số lượng.” ông Điền chia sẻ.
Tại hội nghị, Thứ trưởng GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết sẽ thảo luận để hoàn thiện phương thức tuyển sinh năm 2023 và xác định phương hướng, định hướng tuyển sinh năm 2025 khi bắt đầu có thí sinh tốt nghiệp chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây cũng là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2022-2023 ở bậc đại học và cao đẳng giáo dục mầm non.
Việc hoàn thiện phương thức tuyển sinh được Bộ GD&ĐT định hướng theo nguyên tắc không phức tạp hóa để tạo thuận lợi cho thí sinh.
Từ ngày 1/9 đến 17/9/2022 là thời gian các cơ sở đào tạo tải dữ liệu từ Hệ thống để xét tuyển và phối hợp xử lý nguyện vọng, lọc ảo.
Trước 17h ngày 17/9/2022, các cơ sở đào tạo sẽ công bố kết quả trúng tuyển đợt 1.
Trước 17 ngày 30/9/2022, các thí sinh trúng tuyển sẽ tiến hành xác nhận nhập học trực tuvến đợt 1 trên hệ thống.
Từ tháng 10/2022 đến tháng 12/2022, các cơ sở đào tạo có thể tổ chức tuyển sinh các đợt bổ sung. Các thí sinh có nhu cầu xét tuyển các đợt bổ sung sẽ thực hiện theo đề án tuyển sinh được đăng tải trên trang thông tin tuyển sinh của các cơ sở đào tạo.