Lê Uyên Thảo Linh, học sinh lớp 12 chuyên tiếng Nhật, trường THPT chuyên Lê Qúy Đôn, Đà Nẵng giành 4 học bổng du học, trong đó có học bổng toàn phần của chính phủ Nhật.
Lê Uyên Thảo Linh, học sinh lớp 12 chuyên tiếng Nhật, trường THPT chuyên Lê Qúy Đôn, Đà Nẵng giành 4 học bổng du học, trong đó có học bổng toàn phần của chính phủ Nhật.
Lê Uyên Thảo Linh hiện đang là học sinh lớp 12 chuyên tiếng Nhật, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng. Trong khi bạn bè đang nô nức bước chân vào cánh cửa đại học thì Thảo Linh lại lựa chọn một con đường mới. Em lựa chọn du học. Ghi nhận của ban tư vấn du học, trường đại học Lương Thế Vinh, Lê Uyên Thảo Linh vốn là một cô bé có thành tích học tập khủng cũng như luôn tích cực hoạt động phong trào, đoàn thể. Ngoài thành tích học trên lớp: điểm GPA 3 năm cấp 3 luôn duy trì trên 9.0, lớp 10 hoàn thành chứng chỉ tiếng Nhật N3, lớp 11 lấy chứng chỉ N2, lớp 12 thi IELTS trên 6.5, Giải 2 hùng biện tiếng Nhật Manabi năm 2020; Giải 3 kì thi Khoa học kĩ thuật cấp thành phố năm 2020; Giải 2 kì thi Khoa học kĩ thuật cấp thành phố năm 2021… em còn là Thành viên sáng lập và trưởng ban nội dung của CLB văn hoá Nhật Bản tại trường THPT chuyên Lê Quý Đôn; Thành viên ban hậu cần CLB Môi trường; thường xuyên tham gia dạy tình nguyện tại Nhà tình thương…
Sau khi nộp hồ sơ và qua các vòng phỏng vấn, hiện tại Linh đã nhận được 4 học bổng du học từ các trường đại học lớn tại mảnh đất mặt trời mọc. Cụ thể: trường Asia Pacific Ritsumeikan University miễn giảm 100% học phí cho 4 năm học, Ritsumeikan University giảm 100% học phí cho năm đầu tiên, học bổng toàn phần trong 4 năm của chính phủ Nhật Bản (MEXT) tại Đại học Quốc lập Okayama, được quỹ học bổng Rotary Yoneyama hỗ trợ 20 triệu/tháng cho 2 năm đầu tại Nhật Bản.
Tuy thành tích học tập và hoạt động xã hội nổi bật là thế nhưng điểm sáng nhất trong bộ hồ sơ xin học bổng du học của Linh lại là bài luận về Bà ngoại. Câu chuyện về bà ngoại xuất phát từ những băn khoăn, trăn trở của cô bé khi chứng kiến một lần bà ngoại phải đi cấp cứu, bác sĩ yêu cầu phẫu thuật gấp. Dù rất đau, rất mệt nhưng bà em lại nói không muốn mổ.
“Tại sao bà ngoại lại có suy nghĩ như vậy?”, câu hỏi đó cứ lặp đi lặp lại trong đầu Linh, mặc dù sau đó mẹ Linh cũng đã giải thích rằng bà ngoại em sợ con cháu tốn tiền mới nói vậy. Tuy nhiên sau đó, Linh vẫn quyết định đến các trung tâm xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng để có nhiều cơ hội tiếp xúc với người già, hiểu hơn suy nghĩ của họ và từ đó hiểu bà hơn. Tại đây em thấy người già rất nhạy cảm, luôn thu mình. Nhiều ông bà chia sẻ với em rằng rất tự ti vì không còn sức lao động, phải phụ thuộc vào con cháu. Từ đó, Linh đã viết bài luận với mong muốn thay đổi đời sống tinh thần của những người cao tuổi.
Trong 4 trường đại học cung cấp học bổng du học, Thảo Linh quyết định theo học tại Đại học Quốc lập Okayama, chuyên ngành phát triển xã hội. Chia sẻ với ban tư vấn du học, Linh còn vạch rõ mục tiêu sau khi hoàn thành chương trình tại Nhật có thể sang châu Âu học thạc sĩ về chuyên ngành này. Ước mơ tương lai của Linh sau này là mong lập ra một tổ chức phi chính phủ dành cho người già tại Việt Nam để hỗ trợ sức khoẻ tinh thần họ.