Hiện nay, một trong những điểm mới đáng chú ý trong Quy chế đào tạo Đại học hiện hành là sinh viên có thể kéo dài thêm thời gian học đại học để trả nợ môn ngoại ngữ hoặc công nghệ thông tin.
Hiện nay, một trong những điểm mới đáng chú ý trong Quy chế đào tạo Đại học hiện hành là sinh viên có thể kéo dài thêm thời gian học đại học để trả nợ môn ngoại ngữ hoặc công nghệ thông tin.
Theo ban Tư vấn tuyển sinh Trường Đại học Lương Thế Vinh thông tin, theo thông tư 08/2021 của Bộ GD&ĐT về Quy chế đào tạo trình độ đại học quy định: thời gian tối đa để sinh viên hoàn thành khóa học do các trường quy định không vượt quá 2 lần thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa đối với mỗi hình thức đào tạo.
Theo đó, với những ngành học theo kế hoạch học tập 3,5 năm sẽ có thời gian đào tạo tối đa 7 năm, ngành 4 năm tối đa 8 năm, ngành 5 năm tối đa 10 năm và ngành 6 năm tối đa 12 năm. Ngoài ra, trong thông tư cũng quy định: Sinh viên đã hết thời gian học tập tối đa theo quy định nhưng chưa đủ điều kiện tốt nghiệp do chưa hoàn thành những học phần như: Học phần giáo dục quốc phòng - an ninh hoặc Giáo dục thể chất hoặc chưa đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, công nghệ thông tin, trong thời hạn 3 năm tính từ khi thôi học được hoàn thiện các điều kiện còn thiếu và đề nghị xét công nhận tốt nghiệp.
Đối với sinh viên các trường khối y dược ngoài thời gian học tối đa đến 12 năm, sinh viên có thêm 3 năm để hoàn thành các điều kiện tốt nghiệp. Như vậy, sinh viên các trường y dược có thể kéo dài tối đa thời gian học đại học lên đến 15 năm.
Nhiều trường đại học kéo dài 6-8 năm
Theo PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Bách khoa TP.HCM cho biết: Nhà trường vẫn quy định sinh viên có 4 năm học tiêu chuẩn, cộng 2 năm kéo dài. Ngoài ra, trong trường hợp đặc biệt, hiệu trưởng sẽ quyết định thời gian kéo dài thêm nhưng đảm bảo tối đa 2 lần chương trình chuẩn.
“Mỗi khóa trường chỉ có 1-2 sinh viên tốt nghiệp sớm, 50-60% sinh viên tốt nghiệp đúng hạn, còn khoảng 15-20% sinh viên phải kéo dài thời gian học và sử dụng hết thời gian đào tạo tối đa” , ông Thắng cho biết.
Theo TS Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết quy định thời hạn 3 năm cho sinh viên trả nợ chuẩn đầu ra ngoại ngữ và công nghệ thông tin bắt đầu áp dụng từ khóa tuyển sinh 2021. Quy định này có thể xuất phát từ thực tiễn nhiều sinh viên không đủ điều kiện do nợ các chuẩn đầu ra nên việc thay đổi là phù hợp. Ngay đợt xét tốt nghiệp vừa rồi của trường, không ít sinh viên đã hết 4 năm đào tạo nhưng chưa đủ điều kiện xét tốt nghiệp, trong đó nhiều nhất là chuẩn ngoại ngữ.
Còn Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM xây dựng thời gian đào tạo cho hệ cử nhân là 3,5 năm và kỹ sư là 4 năm. Thời gian đào tạo tối đa tương ứng cho hệ cử nhân là 7 năm còn hệ kỹ sư là 8 năm.
Khối y dược kéo dài đến 15 năm
Với sinh viên Y Khoa, theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Y dược TP.HCM cho hay trường cho phép sinh viên các ngành đào tạo bác sĩ học tối đa trong 12 năm, chương trình cử nhân 8 năm theo tinh thần gấp đôi thời gian chương trình thiết kế.
Tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, theo quy chế đào tạo của trường, thời gian đào tạo chuẩn của trường cho các hệ là 4 năm, 5 và 6 năm. Thời gian đào tạo tối đa tương ứng là 8 năm, 10 năm và 12 năm.
Ngoài ra, nếu sinh viên đã hết thời gian học tập tối đa theo quy định nhưng chưa đủ điều kiện tốt nghiệp do chưa hoàn thành những học phần Giáo dục quốc phòng - an ninh hoặc Giáo dục thể chất hoặc chưa đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, trong thời hạn 3 năm tính từ khi thôi học được hoàn thiện các điều kiện còn thiếu và đề nghị xét công nhận tốt nghiệp.