Sinh viên nhiều trường đại học cho biết đã đạt yêu cầu đầu ra, thậm chí cao hơn dự kiến khi tham gia các khóa học “cấp tốc” lấy chứng chỉ tiếng Anh Aptis và khẳng định “thi đâu đậu đó”.
Sinh viên nhiều trường đại học cho biết đã đạt yêu cầu đầu ra, thậm chí cao hơn dự kiến khi tham gia các khóa học “cấp tốc” lấy chứng chỉ tiếng Anh Aptis và khẳng định “thi đâu đậu đó”.
Theo thông tin từ Ban Truyền thông trường Đại học Lương Thế Vinh cho biết, có khoảng 50% sinh viên tại trường chọn học chứng chỉ Aptis để đạt chuẩn đầu ra, còn lại học TOEIC và chứng chỉ khác.
Aptis là bài thi kiểm tra tiếng Anh hiện đại và linh hoạt dựa trên các nghiên cứu mới nhất về khảo thí tiếng Anh của Hội đồng Anh – một tổ chức uy tín với hơn 70 năm kinh nghiệm về kiểm tra tiếng Anh trên toàn cầu.
Bài thi Aptis có thể đánh giá trình độ tiếng Anh đầy đủ ở cả 4 kỹ năng ngôn ngữ – Nghe, Nói, Đọc, Viết. Bài thi cũng kết hợp với việc kiểm tra Ngữ pháp và Từ vựng. Thiết kế của bài thi Aptis đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các tổ chức (nhà tuyển dụng, đơn vị đào tạo…) và cá nhân trên toàn thế giới.
Bạn V.M.N (sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội) cho biết, vì muốn sớm đáp ứng chuẩn đầu ra và sợ “để lâu thi khó hơn”, N. chọn thi lấy chứng chỉ Aptis từ năm 2 và đạt kết quả B2 hồi tháng 8.2022. Để làm được điều này, theo N. là nhờ đăng ký khóa “bao đậu” tại trung tâm H.A với mức phí 2 triệu đồng, được học đáp án và mẹo làm bài trong 1 tuần trước khi thi.
“Ở trung tâm, học viên sẽ phải học và thi trong 1 tuần là vì thường 1 - 2 tuần người ta sẽ đổi đề hoặc thêm đề mới. Em đoán rằng mỗi đợt trung tâm sẽ gài người đi thi để giải đề, lấy đáp án gửi học viên”, N. cho biết.
Nữ sinh viên cũng cho hay nếu chẳng may thi trượt, trung tâm sẽ cho ôn tập lại miễn phí và hỗ trợ 70% lệ phí thi. Khi được hỏi ở trường có ai học kiểu này như mình không, N. không do dự khẳng định “rất nhiều, bây giờ còn mấy ai tự học nữa trừ IELTS”.
Tương tự, L.S.H (ainh viên Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, Hà Nội) cũng đạt mức Aptis B2 hồi tháng 9/2022 dù chỉ đăng ký “bao điểm” B1. Đáng chú ý, H. cho hay bản thân mất gốc tiếng Anh và không có vốn từ vựng, chỉ học vẹt đáp án. “Trung tâm gửi đáp án nghe đọc, còn phần viết học 4 chủ đề, khi thi ra 1 trong 4. Phần nói có mấy bức tranh nhưng mình không học nói được, cứ đọc đề linh tinh cho hết thời gian nên được có 10/50 điểm thôi”, H. kể.
Được biết, trong quá trình “học tủ”, đáp án được trung tâm gửi theo số báo danh từng người, còn viết với nói sẽ luyện trong khoảng 10 - 20 đề và sẽ ra 1 trong những đề đã ôn. Đáp án nghe, đọc khi thi ra chính xác. Đề viết với nói cũng tương tự những gì học viên đã ôn.
Theo C.T (sinh viên Trường Đại học Hoa Sen, TP.HCM) đã đạt Aptis C cho biết, các khóa học ở các trung tâm luyện thi “không hẳn là tủ”.
“Kỹ năng nghe và đọc có đáp án sẵn, chính xác khoảng 90%. Lúc vào thi tự hiểu nữa nên mới được trọn điểm đọc. Mình thi xong về còn chỉnh đáp án lại cho trung tâm. Còn kỹ năng nói với viết thì có 8 bộ đề ôn, tự lực thôi”, T. nói.
Sinh viên này cũng lưu ý: “Bạn mình có người đi thi bị “tủ đè” không trúng gì luôn, mà trung tâm cũng không trả lại tiền cho học viên. Nên kiểu như may rủi, hên thì trúng. Mà thi vào giữa tháng đa số trúng, chứ đầu với cuối tháng là thời điểm dễ bị đổi đề”. C.T cho biết ngoài bản thân cũng có nhiều bạn bè theo học các khóa “cấp tốc, tủ đề”.
Theo PGS.TS Mai Quốc Chánh, Chủ tịch Hội đồng Tuyển sinh trường Đại học Lương Thế Vinh cho biết, xu hướng hiện nay của sinh viên chủ yếu là để thi lấy bằng, do yêu cầu chuẩn đầu vào, đầu ra của các trường học, công ty. Đây là tình trạng đáng “báo động”.
“Các em sinh viên hiện nay chỉ tìm cách đạt chứng chỉ bằng mọi giá nên quên đi giá trị cốt lõi của nó là giúp mình nhìn nhận năng lực hiện tại của bản thân, có cơ sở tiếp tục phát triển kỹ năng. Cái kết đoán trước được là những tấm bằng không khác gì giấy vụn. Khi bước ra môi trường thực tế dùng tiếng Anh, sinh viên hầu như bị đánh gục, ú ớ khi nói chuyện”, ông Chánh cho biết.
Chỉ ra nguyên nhân nhiều bạn tìm đến trung tâm với mong muốn có bằng “cho rồi” thay vì tăng khả năng sử dụng ngôn ngữ, thạc sĩ Giang Thanh, Trưởng phòng Học vụ tại DOL IELTS Đình Lực, đề cập 2 yếu tố: Thứ nhất là TS không có phương pháp học hiệu quả, luôn thấy chán nản; thứ hai đến từ sự cám dỗ, hứa hẹn vô căn cứ của một số trung tâm tiếng Anh. “Điều đó khiến TS hình thành tư duy “mì ăn liền”, mong có bằng là xong làm chứng chỉ không còn đúng với giá trị của nó”, thạc sĩ Thanh chia sẻ.