Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 trở đi, thí sinh chỉ được thi 2 môn tự chọn, đồng nghĩa nhiều trường đại học, cao đẳng phải thay đổi phướng án tuyển sinh khi thí sinh sẽ bị giới hạn tổ hợp xét tuyển đại học.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 trở đi, thí sinh chỉ được thi 2 môn tự chọn, đồng nghĩa nhiều trường đại học, cao đẳng phải thay đổi phướng án tuyển sinh khi thí sinh sẽ bị giới hạn tổ hợp xét tuyển đại học.
Theo ghi nhận, từ năm 2025, học sinh sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT với 4 môn, gồm 02 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, 02 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).
Theo khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đây là phương án này nhận được sự ủng hộ đông đảo từ phụ huynh, học sinh và các thầy cô giáo bởi tính gọn nhẹ, giảm áp lực cho thí sinh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục cho rằng điều này sẽ làm giảm tổ hợp xét tuyển vào đại học của các thí sinh. Ví dụ, năm trước thí sinh thi tốt nghiệp gồm các môn Văn, Toán, tiếng Anh, Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) thì khối tự nhiên các em sẽ có ít nhất 7 tổ hợp truyền thống để xét tuyển như: A00 (Toán, Vật lý, Hóa học), A01 (Toán, Vật lý, tiếng Anh), D07 (Toán, Hóa học, tiếng Anh), D01 (Toán, Văn, tiếng Anh), B00 (Toán, Hóa học, Sinh học), B08 (Toán, Sinh học, tiếng Anh).
Tuy nhiên, theo phương án 2+2 thí sinh chỉ có 1 đến 2 tổ hợp truyền thống để xét tuyển. Ví dụ như thí sinh chọn 2 môn lựa chọn là Hóa học, Sinh học thì chỉ có 1 tổ hợp là B00 (Toán, Hóa học, Sinh học). Nếu học sinh chọn tiếng Anh, Vật lý thì có 2 tổ hợp là D01 (Toán, Văn, tiếng Anh), A01 (Toán, Vật lý, tiếng Anh). Thậm chí một số tổ hợp xét tuyển sẽ không còn nữa, ví dụ tổ hợp D90 (Toán, Khoa học tự nhiên, tiếng Anh).
Trao đổi với Ban Tư vấn Tuyển sinh Trường Đại học Lương Thế Vinh, PGS.TS Mai Quốc Chánh – Chủ tịch Hội đồng Tuyển sinh nhà trường cho biết, các tổ hợp xét tuyển của thí sinh giảm chắc chắn có tác động đến nhà trường trong công tác tuyển sinh đối với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Các trường sẽ phải tính toán lại các tổ hợp xét tuyển, đảm bảo các tổ hợp xét tuyển đầu vào phù hợp với yêu cầu ngành học.
“Trường Đại học Lương Thế Vinh cũng sẽ nghiên cứu, tính toán để điều chỉnh phù hợp với sự thay đổi này”, ông Chánh cho biết.
Ông Chánh cho biết thêm, thí sinh không cần quá lo lắng khi đăng kí xét tuyển vì hiện nay, ngoài các phương án xét tuyển truyền thống bằng học bạ và điểm thi tốt nghiệp, nhiều cơ sở giáo dục đã kết hợp tuyển sinh với nhiều phương án khác như tổ chức kỳ thi riêng, sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, chứng chỉ ngoại ngữ,…
Tương tự, PGS.TS Lê Văn Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) chia sẻ, phương án thi tốt nghiệp mới cũng là cơ hội để các trường đại học bổ sung các tổ hợp mới, phù hợp với ngành nghệ đào tạo của mình. Ví dụ như khối kinh tế, luật có thể bổ sung tổ hợp trong đó có môn Giáo dục kinh tế và pháp luật; khối công nghệ thông tin có thể bổ sung tổ hợp trong đó có môn Tin học...
TS Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing, cho biết hiện nay, Trường Đại học Tài chính - Marketing cũng như nhiều trường đại học khác đều sử dụng nhiều phương thức xét tuyển trong đó phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT chiếm tỉ lệ xét tuyển nhất định. Khi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 không còn đáp ứng việc sử dụng kết quả để tuyển sinh đại học thì các trường vẫn còn nhiều phương thức xét tuyển phù hợp khác.
Phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025 được xây dựng cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - là chương trình mà giai đoạn THPT là giai đoạn hướng nghề nghiệp. Mục đích chính của kỳ thi là đánh giá kết quả giáo dục của người học theo mục tiêu và yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông. Học sinh có thể sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển sinh theo tinh thần tự chủ đại học.