Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, các kỳ thi riêng nhằm tạo thêm cơ hội cho các thí sinh, nhưng các em không cần thi nhiều, và thi nhiều chưa chắc đã tăng thêm cơ hội…
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, các kỳ thi riêng nhằm tạo thêm cơ hội cho các thí sinh, nhưng các em không cần thi nhiều, và thi nhiều chưa chắc đã tăng thêm cơ hội…
Mùa tuyển sinh đại học 2023, các cơ sở giáo dục rất chủ động trong công tác tuyển sinh. Bên cạnh việc tao thuận lợi cho thí sinh có nhiều cơ hội xét tuyển đại học khác nhau thì trước các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy riêng của các cơ sở giáo dục đại học, thí sinh cũng cần có sự hiểu biết kỹ càng và đưa ra những cân nhắc, lựa chọn khôn ngoan.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, các cơ sở giáo dục tổ chức kỳ thi riêng nhằm tạo ra nhiều cơ hội hơn cho thí sinh. Tuy nhiên, do mục đích và yêu cầu của mỗi kỳ thi là khác nhau nên cấu trúc, định dạng đề thi và cách thức tổ chức, thời gian, địa điểm tổ chức cũng khác nhau, thí sinh cần cân nhắc kỹ trước khi đăng ký dự thi. Thí sinh không cần tham gia quá nhiều kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy.
Theo cán bộ tuyển sinh Công nghệ thông tin – Trường Đại học Lương Thế Vinh chia sẻ, hiện nay, ngoài phương thức xét tuyển bằng kết quả của các kỳ thi riêng thì phương thức xét tuyển bằng kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn được nhiều trường tiếp tục sử dụng. Chính vì vậy, thí sinh không cần phải đăng ký tham giá quá nhiều kỳ thi riêng, tránh lãng phí thời gian, công sức, áp lực và gánh nặng về thi cử mà khó có thể đạt được kết quả như mong muốn.
Thứ trưởng Sơn cho biết, các kỳ thi này có định hướng vào các lĩnh vực khác nhau (2 Đại học Quốc gia có các kỳ thi với phạm vi lĩnh vực rộng; Đại học Bách khoa Hà Nội có kỳ thi chủ yếu dành cho lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tập trung cho lĩnh vực đào tạo giáo viên; Bộ Công an tổ chức kỳ thi riêng cho các trường khối an ninh, công an…)
“Đại học Bách khoa Hà Nội thiên về các ngành kỹ thuật công nghệ, tự nhiên, còn kỳ thi của Đại học Quốc gia Hà Nội thì có tính phổ quát rộng hơn. Tuy nhiên, các em không cần phải lựa chọn nhiều, mà có lẽ là chỉ cần tham gia 1 kỳ thi mà kết quả được sử dụng để xét tuyển vào trường mong muốn. Các em thi nhiều hơn cũng chưa chắc thêm được cơ hội. Chỉ cần điểm thi tốt nghiệp THPT cùng với điểm thi của một trường, tôi nghĩ đã hoàn toàn đủ” – ông Sơn cho biết.
Thí sinh lưu ý cần tập trung ôn tập để hoàn thành tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT, vì chỉ khi thí sinh tốt nghiệp THPT mới đủ điều kiện xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Ngoài ra, thí sinh muốn đăng ký xét tuyển vào các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công an bắt buộc phải tham gia Kỳ thi do Bộ Công an tổ chức để lấy kết quả xét tuyển.
Theo thống kê từ Bộ GD&ĐT, năm 2022, các trường đại học dành 31.435 chỉ tiêu (trên tổng số 587.786 chỉ tiêu) để xét tuyển từ kết quả của các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.
Tin tức tư Ban Tư vấn tuyển sinh Trường Đại học Lương Thế Vinh, hiện nay, một số trường đại học như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tự tổ chức các kỳ thi riêng và sử dụng kết quả từ những kỳ thi này để xét tuyển đại học chính quy. Năm 2023, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM là đơn vị tiếp theo cho biết sẽ tự tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để phục vụ việc tuyển sinh.
Được biết, năm 2023, dự kiến có tới hơn 70 trường đại học, học viện dùng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức để xét tuyển; 86 trường đại học, cao đẳng trên cả nước sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM.
Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 2021, có 21 trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do đơn vị này tổ chức để xét tuyển. Năm 2023, dự kiến số trường sử dụng kết quả thi đánh giá tư duy sẽ tăng khi các ngành tuyển sinh có thể sử dụng kết quả này được mở rộng, bao gồm: Khoa học công nghệ, kinh tế, kỹ thuật, công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, y dược.