Phương án tuyển sinh năm 2025 tiếp tục ghi nhận nhiều thay đổi quan trọng từ Bộ GD&ĐT cũng như các trường đại học. Đây là thời điểm thí sinh cần tập trung học tập và cập nhật thông tin để sẵn sàng về tinh thần và phương án cho mình.
Phương án tuyển sinh năm 2025 tiếp tục ghi nhận nhiều thay đổi quan trọng từ Bộ GD&ĐT cũng như các trường đại học. Đây là thời điểm thí sinh cần tập trung học tập và cập nhật thông tin để sẵn sàng về tinh thần và phương án cho mình.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy, dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2025 đã được công bố và xin ý kiến rộng rãi. Trên cơ sở đóng góp, ban soạn thảo dự kiến đề xuất Bộ GD&ĐT một số thay đổi quan trọng.
Cụ thể, ngưỡng đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề sẽ bổ sung thêm căn cứ "điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT". Trước đó, dự thảo quy định ngưỡng đầu vào chỉ căn cứ vào kết quả học tập 3 năm THPT. Tuy nhiên, điều này đã gây khó khăn cho thí sinh tự do vì không thể cải thiện điểm học bạ trong quá khứ.
Do đó, thí sinh sẽ có thêm lựa chọn một trong hai căn cứ ngưỡng đầu vào: kết quả học tập THPT hoặc kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất bỏ khái niệm "xét tuyển sớm". Theo Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy, xét tuyển sớm được thiết kế ban đầu nhằm thu hút thí sinh tài năng, nhưng qua nhiều năm, thực tế đã cho thấy sự mất công bằng. Học sinh có điểm trung bình, thấp cũng có thể nộp hồ sơ và trúng tuyển sớm. Việc bỏ xét tuyển sớm sẽ giúp giảm áp lực cho thí sinh và tiết kiệm nguồn lực cho các trường.
Bên cạnh những điểm mới từ Bộ GD&ĐT, nhiều trường đại học đã có những thay đổi trong phương án tuyển sinh.
Đại học Bách khoa Hà Nội
- Tuyển sinh theo 3 phương thức: xét tuyển tài năng; kỳ thi đánh giá tư duy; và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.
- Chỉ tiêu xét tuyển thi tốt nghiệp THPT dự kiến giảm từ 50% xuống còn 40%, trong khi chỉ tiêu kỳ thi đánh giá tư duy sẽ tăng nhẹ.
- Kỳ thi đánh giá tư duy được tổ chức 3 đợt vào các ngày cuối tuần, với 3-4 kíp thi tại 30 điểm thi trên cả nước.
Đại học Kinh tế Quốc dân
- Mở thêm 2 ngành mới: Quan hệ lao động và Luật thương mại quốc tế.
- Duy trì 3 phương thức tuyển sinh: xét kết quả thi tốt nghiệp, xét tuyển kết hợp, và xét tuyển thẳng.
- Phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT áp dụng 4 tổ hợp: A00, A01, D01, và D07. Một số tổ hợp cũ đã được loại bỏ so với năm 2024.
Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh)
- Ngừng xét tuyển tổ hợp A00 và D07; bổ sung tổ hợp mới gồm: toán, tiếng Anh, tin học và toán, tiếng Anh, giáo dục kinh tế và pháp luật.
- Chỉ tiêu xét tuyển: tối đa 20% xét tuyển thẳng; 40-60% xét điểm thi đánh giá năng lực; và 30-50% xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh
- Mở 6 ngành mới, bao gồm: Dinh dưỡng và khoa học thực phẩm, Quản lý tài nguyên và môi trường, Công nghệ tài chính, Quản trị kinh doanh, Vật lý kỹ thuật, và Công nghệ truyền thông.
Đại học Luật TP Hồ Chí Minh
- Dự kiến mở 2 ngành mới: Tài chính ngân hàng và Kinh doanh quốc tế.
- Tăng 800 chỉ tiêu tuyển sinh, nâng tổng chỉ tiêu lên hơn 4.000.
Nam tư vấn Trường Đại học Lương Thế Vinh thông tin, nhiều trường đại học chưa công bố phương án tuyển sinh năm 2025 nhưng đã thông báo sẽ bỏ hoặc giảm chỉ tiêu xét học bạ. Một số trường vẫn xét học bạ nhưng thay vì lấy kết quả học tập 4 kỳ, sẽ sử dụng kết quả của cả 6 kỳ học để đảm bảo sự công bằng và chính xác hơn.
Như vậy, có rất nhiều điểm mới trong phương án tuyển sinh năm 2025. Trước khi Bộ GD&ĐT công bố quy chế tuyển sinh chính thức, thí sinh có thể chủ động tìm hiểu thông tin qua các kênh truyền thông chính thống hoặc trực tiếp tìm hiểu, cập nhật đề án tại website của các trường đại học mình quan tâm. Thí sinh cần đọc đầy đủ, chi tiết phương án, không bỏ qua các lưu ý và tiêu chí phụ của nhà trường để bảo đảm tối ưu cơ hội trúng tuyển.