Năm 2025, kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐHQG-HCM dự kiến thu hút 120.000 thí sinh đăng ký đợt 1. Kỳ thi sẽ tổ chức tại 25 tỉnh/thành phố với cấu trúc đề thi được điều chỉnh phù hợp chương trình giáo dục phổ thông mới.
Năm 2025, kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐHQG-HCM dự kiến thu hút 120.000 thí sinh đăng ký đợt 1. Kỳ thi sẽ tổ chức tại 25 tỉnh/thành phố với cấu trúc đề thi được điều chỉnh phù hợp chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ban Truyền thông Trường Đại học Lương Thế Vinh thông tin, tính đến hết ngày 12/2, có hơn 75.000 thí sinh đăng ký tham gia kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) đợt 1 do ĐHQG TP. HCM tổ chức. Theo ông Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG TP. HCM, con số này được ghi nhận sau 22 ngày mở cổng đăng ký. Dự kiến, số lượng thí sinh đăng ký thi đợt 1 sẽ chạm ngưỡng 120.000 thí sinh.
Theo kế hoạch, kỳ thi ĐGNL năm 2025 sẽ có 2 đợt thi:
- Đợt 1: Thí sinh đăng ký từ ngày 20/1/2025 đến 20/2/2025. Kỳ thi sẽ được tổ chức vào ngày 30/3 tại 25 tỉnh/thành phố, bao gồm: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Bình Phước và Tây Ninh. Kết quả dự kiến công bố vào ngày 16/4/2025.
- Đợt 2: Thí sinh đăng ký từ ngày 17/4 đến 7/5/2025. Kỳ thi sẽ diễn ra ngày 1/6 tại 11 tỉnh/thành phố: Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Lâm Đồng, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang và An Giang. Kết quả được công bố vào ngày 16/6/2025.
>>> Xem thêm: Tuyển sinh đại học 2025: Những thay đổi đáng chú ý mà thí sinh không nên bỏ qua
Đề thi ĐGNL năm 2025 của ĐHQG-HCM sẽ bao gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm với tổng thời gian làm bài là 150 phút. Điểm tối đa của bài thi là 1.200 điểm và các câu hỏi sẽ có trọng số điểm khác nhau tùy theo độ khó.
Nội dung bài thi bao gồm ba phần chính:
- Phần Sử dụng ngôn ngữ (600 điểm): Bao gồm 60 câu hỏi, trong đó có cả tiếng Việt và tiếng Anh, nhằm đánh giá khả năng ngôn ngữ và hiểu biết văn bản của thí sinh.
- Phần Toán học (300 điểm): Gồm 30 câu hỏi kiểm tra khả năng tính toán, suy luận và vận dụng các kiến thức toán học để giải quyết vấn đề thực tiễn.
- Phần Tư duy khoa học (300 điểm): Đây là điểm mới của kỳ thi năm nay. Phần này được phát triển từ nội dung "Logic - Phân tích số liệu và Giải quyết vấn đề" trước đây. ĐHQG-HCM đã điều chỉnh cấu trúc thành phần "Tư duy khoa học" với 30 câu hỏi được xây dựng theo hướng cung cấp thông tin, số liệu, dữ kiện, hoạch định thí nghiệm và kết quả thực nghiệm. Thí sinh phải thể hiện khả năng hiểu, vận dụng thông tin để xác định kết quả thực nghiệm và dự đoán quy luật.
Được biết, thí sinh đăng ký dự thi hoàn toàn trực tuyến, mỗi thí sinh sẽ sử dụng tài khoản cá nhân để đăng ký, in phiếu báo dự thi, xem kết quả và tải giấy chứng nhận kết quả thi. Trong suốt quá trình đăng ký và dự thi, thí sinh được sắp xếp thi tại địa điểm gần nhất. Phiếu báo dự thi sẽ được phát hành khoảng một tuần trước ngày thi, thí sinh cần in phiếu này và mang theo bản chính căn cước công dân hoặc thẻ căn cước khi dự thi.
Từ năm 2025, ĐHQG TP. HCM chuyển sang cấp giấy chứng nhận kết quả thi hoàn toàn dưới dạng điện tử, không còn cấp bản giấy. Thí sinh có thể tải giấy chứng nhận từ tài khoản cá nhân và sử dụng cho việc đăng ký xét tuyển vào các trường đại học.