Quy trình đăng ký xét tuyển đại học 2025 có nhiều điểm mới quan trọng. Thí sinh cần nắm rõ phương thức xét tuyển, cách sắp xếp nguyện vọng và các mốc thời gian để không bỏ lỡ cơ hội trúng tuyển vào ngành học mong muốn.
Quy trình đăng ký xét tuyển đại học 2025 có nhiều điểm mới quan trọng. Thí sinh cần nắm rõ phương thức xét tuyển, cách sắp xếp nguyện vọng và các mốc thời gian để không bỏ lỡ cơ hội trúng tuyển vào ngành học mong muốn.
Các phương thức xét tuyển đại học 2025
Theo dự thảo hướng dẫn tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, danh mục các phương thức xét tuyển sẽ bao gồm 17 mã phương thức. So với năm 2024, số lượng phương thức đã giảm bớt 3, nhằm tinh gọn và nâng cao hiệu quả xét tuyển.
Dữ liệu từ kết quả tuyển sinh chính quy năm 2024 cho thấy, hơn 52% thí sinh trúng tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, trong khi 27% được tuyển qua xét học bạ. Các phương thức khác như xét tuyển từ kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy chỉ chiếm khoảng 3,36%.
Trước tình hình này, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến nghị các trường đại học cân nhắc loại bỏ những phương thức xét tuyển không còn hiệu quả để tối ưu hóa quy trình tuyển sinh năm 2025.
Những lưu ý khi đăng ký xét tuyển đại học 2025
Ban Tư vấn tuyển sinh Trường Đại học Lương Thế Vinh lưu ý, thí sinh cần đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu của từng ngành học và chương trình đào tạo. Các tiêu chí, điều kiện xét tuyển sẽ được công bố rõ ràng trên hệ thống đăng ký trực tuyến, giúp thí sinh dễ dàng tra cứu và thực hiện.
Đặc biệt, thí sinh chỉ nên đăng ký vào những ngành học phù hợp với năng lực và đáp ứng điều kiện xét tuyển của từng trường. Thông tin đăng ký bao gồm:
- Thứ tự nguyện vọng xét tuyển
- Mã cơ sở đào tạo, tên trường
- Mã xét tuyển ngành/chương trình
Lưu ý rằng thí sinh chỉ cần đăng ký theo mã ngành/chương trình đào tạo mà không phải chi tiết đến từng phương thức hay tổ hợp xét tuyển. Tất cả các nguyện vọng đăng ký sẽ được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, trong đó nguyện vọng 1 là mong muốn trúng tuyển cao nhất. Khi hệ thống xét tuyển chạy, mỗi thí sinh sẽ chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất mà mình đủ điều kiện.
Ngoài ra, mọi nguyện vọng đăng ký trên hệ thống đều phải nộp lệ phí xét tuyển, không phân biệt phương thức xét tuyển.
Các mốc thời gian quan trọng cần lưu ý
Dự thảo tuyển sinh đại học năm 2025 đã đưa ra kế hoạch chi tiết về lịch trình xét tuyển, trong đó kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra vào cuối tháng 6.
Sau khi hoàn thành kỳ thi, thí sinh thuộc diện xét tuyển thẳng cần nộp hồ sơ trước ngày 30/6 và nhận kết quả chậm nhất vào giữa tháng 7. Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến công bố điểm thi tốt nghiệp vào ngày 16/7, đồng thời mở hệ thống để thí sinh đăng ký, điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng cho đến ngày 28/7 mà không giới hạn số lần.
Cùng thời gian này, các trường đại học sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với những ngành đặc thù như sức khỏe và sư phạm. Sau khi hoàn tất đăng ký, thí sinh sẽ nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến trong khoảng thời gian từ ngày 29/7 đến 5/8.
Tiếp đó, từ ngày 16/8 đến 20/8, Bộ sẽ tiến hành lọc ảo nhiều lần để đảm bảo công tác xét tuyển diễn ra chính xác và công bằng, trước khi các trường công bố điểm chuẩn ngay sau đó.
Những thí sinh trúng tuyển cần xác nhận nhập học trước ngày 30/8 và từ ngày 22/8, các trường mới chính thức tổ chức nhập học.
Ngoài ra, các đợt xét tuyển bổ sung sẽ kéo dài từ tháng 9 đến cuối năm.
Thí sinh cần bám sát các mốc thời gian này để không bỏ lỡ cơ hội đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển. Việc chủ động nắm bắt thông tin giúp quá trình xét tuyển diễn ra thuận lợi hơn, tối ưu hóa cơ hội trúng tuyển vào ngành học mong muốn.