Quýt gai là loài cây mọc hoang quen thuộc ở vùng đồng bằng, trung du Việt Nam, được dân gian tin dùng như một vị thuốc y học cổ truyền quý. Từ rễ, lá, thân đến quả, quýt gai mang lại nhiều công dụng chữa bệnh hiệu quả, an toàn và dễ áp dụng.
Quýt gai là loài cây mọc hoang quen thuộc ở vùng đồng bằng, trung du Việt Nam, được dân gian tin dùng như một vị thuốc y học cổ truyền quý. Từ rễ, lá, thân đến quả, quýt gai mang lại nhiều công dụng chữa bệnh hiệu quả, an toàn và dễ áp dụng.
Trong kho tàng y học cổ truyền Việt Nam, bên cạnh những vị thuốc nổi tiếng như nhân sâm, linh chi hay bạch chỉ, còn có nhiều loài cây mọc hoang dã lại mang đến công dụng chữa bệnh vô cùng hữu hiệu. Một trong số đó là quýt gai, loài cây tuy nhỏ bé, giản dị nhưng lại được xem như một "tủ thuốc mini" giữa tự nhiên nhờ khả năng hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý thường gặp. Từ rễ, thân, vỏ đến lá và quả – tất cả các bộ phận của cây đều được ứng dụng linh hoạt trong dân gian.
Quýt gai còn được gọi bằng nhiều cái tên khác như quýt rừng, cam trời, độc lực, tửu binh lặc… Thuộc họ cam (Rutaceae), đây là cây nhỏ, có gai, thường mọc hoang ở các khu vực đồng bằng, trung du và hải đảo. Quýt gai ưa khí hậu nhiệt đới ẩm, sinh trưởng mạnh mẽ ở bờ bụi, bãi đất hoang, ven đường hoặc bờ ruộng. Nhờ dễ tìm, dễ thu hái nên từ xưa, dân gian đã tận dụng cây thuốc này để làm phương thuốc chữa bệnh thông dụng.
Công dụng và cách dùng các bộ phận của cây quýt gai được TS Lê Xuân Hùng, giảng viên khoa Y học cổ truyền Trường Đại học Lương Thế Vinh chia sẻ như sau:
Rễ quýt gai – hỗ trợ xương khớp, giảm ho, trị đau răng
Rễ quýt gai chứa nhiều tinh chất có vị đắng, thơm nhẹ, tính ấm. Rễ thường được thu hái quanh năm nhưng mùa thu là thời điểm lý tưởng nhất. Rễ nhỏ có thể để nguyên, còn rễ to thì chỉ lấy phần vỏ. Dân gian thường phối hợp rễ quýt gai với các vị thuốc khác như thổ phục linh, ngưu tất, thiên niên kiện… để ngâm rượu, dùng làm thuốc xoa bóp hoặc uống hỗ trợ điều trị phong thấp, đau nhức xương khớp.
Ngoài ra, rễ quýt gai còn có tác dụng giảm ho, khi kết hợp cùng vỏ cây dâu và lá cam thảo Nam, sắc uống mỗi ngày. Đặc biệt, trong các trường hợp đau răng hoặc sâu răng, người dân thường nhai vỏ rễ với một ít muối để sát khuẩn, giảm viêm và cơn đau tạm thời.
Vỏ và thân – hỗ trợ điều trị rối loạn tiêu hóa
Khi nói đến công dụng trị bệnh, vỏ và thân quýt gai cũng không kém phần nổi bật. Vỏ cây khi kết hợp với các thảo dược khác như vỏ lựu, vỏ chuối hột, rễ tầm xuân, búp ổi… được dùng để sắc uống, hỗ trợ chữa kiết lỵ và rối loạn tiêu hóa. Bài thuốc này không chỉ an toàn mà còn tận dụng được nguyên liệu có sẵn trong vườn nhà, mang tính kinh tế cao.
Lá quýt gai – chữa cảm cúm, sưng tấy, rắn cắn
Lá non và lá bánh tẻ chứa lượng tinh dầu lớn, thường được sử dụng trong các bài thuốc xông giải cảm. Kết hợp lá quýt gai với các loại lá thơm như sả, hương nhu, đại bi, cúc tần, lá bưởi… tạo nên nồi lá xông giúp cơ thể ra mồ hôi, hạ sốt, giải cảm cúm hiệu quả.
Không chỉ vậy, lá quýt gai còn là nguyên liệu quý trong điều trị sưng tấy, bầm tím, mụn mủ kéo dài. Khi phối hợp với lá bạc thau, chia thành hai phần – một phần phơi khô sao vàng để sắc uống, phần còn lại giã đắp ngoài da – có thể giúp tiêu viêm, tan máu bầm, giảm đau rõ rệt.
Một công dụng đặc biệt khác là sơ cứu khi bị rắn cắn. Trong khi chờ đợi y tế, người ta có thể giã lá quýt gai tươi với một chút muối, chắt lấy nước uống và dùng bã đắp ngoài nhằm giảm bớt độc tố tạm thời.
Quả quýt gai – bài thuốc trị ho, tiêu đờm
Quả quýt gai, nhất là loại còn xanh, chứa nhiều tinh dầu và chất nhầy. Dân gian thường dùng từ 8–16 quả trộn với một ít đường kính hoặc mật ong, một nhúm muối và khoảng 5g bồ hóng. Tất cả đem hấp cơm trong 15 phút, sau đó nghiền nát và chia làm 2–3 lần uống trong ngày. Bài thuốc này giúp tiêu đờm, làm dịu họng, trị ho kéo dài – rất thích hợp trong mùa lạnh hoặc giai đoạn giao mùa.
Ngày nay, mặc dù y học hiện đại phát triển với nhiều loại thuốc kháng sinh, chống viêm mạnh, nhưng xu hướng trở về với thảo dược y học cổ truyền vẫn ngày càng được ưa chuộng nhờ tính an toàn, lành tính và ít tác dụng phụ. Quýt gai chính là một ví dụ điển hình – một cây thuốc dân dã, dễ tìm, dễ chế biến nhưng lại đem đến nhiều lợi ích bất ngờ cho sức khỏe.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các bài thuốc từ cây quýt gai mang tính chất hỗ trợ, nên cần được sử dụng đúng liều lượng, đúng cách và tốt nhất nên tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng, đặc biệt với người đang mắc bệnh mãn tính hoặc đang dùng thuốc Tây.