Theo các chuyên gia, học sinh quá căng thẳng khi chọn ngành, chọn trường, đa số dễ chọn bừa, chọn theo số đông, dẫn tới ảnh hưởng tiêu cực đến định hướng tương lai.
Theo các chuyên gia, học sinh quá căng thẳng khi chọn ngành, chọn trường, đa số dễ chọn bừa, chọn theo số đông, dẫn tới ảnh hưởng tiêu cực đến định hướng tương lai.
Theo khảo sát của ban tuyển sinh đại học, trường đại học Lương Thế Vinh, hiện nay có một bộ phận không nhỏ các bạn gen Z (1997-2012) không biết bản thân muốn gì, thích gì, không hoạch định được các kế hoạch trong tương lai. Điều này dẫn tới việc chọn bừa, theo số đông hay các yếu tố bên ngoài khác trong việc quyết định đăng ký xét tuyển vào các ngành, các trường đại học.
Trong một khảo sát của TS Phi Yến thực hiện hồi cuối năm 2021 về tâm lý và nỗi hoang mang của các học sinh giai đoạn đứng trước ngưỡng cửa đại học cho thấy 80% trong số các em không biết sẽ học trường, ngành gì; đặc biệt gặp áp lực về điểm số, cảm thấy thua kém, tự ti.
Nguyên nhân dẫn tới việc các thí sinh chọn sai ngành, sai trường là do: các em thiếu sự cập nhật về tương lai và chưa đánh giá đúng bản thân, vì thế mà các em hoang mang, không biết mình nên chọn ngành nào, phù hợp hay đủ năng lực theo đuổi lĩnh vực gì?
Một trong những nguyên nhân khác nữa là do thông tin mạng xã hội nhiều, gây nhiễu, khiến các em học sinh không biết điều gì đúng, sai. Đặc biệt là các em ở vùng sâu, vùng xa đang thiếu kỹ năng và phân tích sử dụng thông tin mạng để tìm câu trả lời cho mình.
Việc học sinh không thấu hiểu bản thân muốn gì, muốn trở thành người như thế nào và tư duy kiểu "học đại" sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Nó khiến cho các em không biết mục đích mình ngồi trên ghế nhà trường làm gì? Thậm chí không cảm thấy hào hứng trong việc học. Sau này ra trường cũng không có động lực để phát triển bản thân. Việc chọn bừa ngành, trường học không chỉ tốn thời gian, tiền bạc, mà còn khiến cho các em bế tắc, mất đi hoa tiêu chỉ đường giữa cuộc đời sau này.
Theo các TH.S Trần Minh Khương, chuyên viên đào tạo trường đại học Lương Thế Vinh, có thể khắc phục vấn đề bằng các cách sau:
Đối với học sinh, các em cần trả lời được các câu hỏi: bản thân muốn gì? Năng lực ra sao? Yêu cầu những gì cho cuộc sống tương lai?... Thầy khuyến khích các em học sinh nên lựa chọn các ngành, các trường thuộc các lĩnh vực mà các em thực sự quan tâm.
Sau khi trả lời được câu hỏi bản thân thích ngành nào? Từ đó các em học sinh có thể từng bước tìm hiểu thông tin, phân tích nhu cầu thị trường, điểm chuẩn các trường... để đưa ra lựa chọn tốt nhất. Điều này không khó đối với gen Z - đối tượng có thế mạnh trong việc nghiên cứu, tìm tòi.
Ngoài gia, thầy Khương cũng khuyên phụ huynh nên trở thành một người bạn đồng hành cùng các con. Muốn trẻ đưa ra quyết định, lựa chọn đúng đắn, các cha mẹ không phải người mang đến câu trả lời phù hợp hay không, áp đặt con phải học ngành này, trường này. Mà thay vì đó hãy ủng hộ con thực hiện những điều mình muốn và tôn trọng cảm xúc của con. Đồng thời là người tạo nguồn lực, thúc đẩy các bạn con thử trải nghiệm điều mình muốn.
Cha mẹ cũng cần giúp con hiểu bản chất của việc học, thay vì đặt áp lực quá lớn lên con, bắt chúng phải sống theo ước mơ của cha mẹ. Bởi ngược lại với sự hời hợt của một nhóm học sinh thì lại có một nhóm học sinh quá lo lắng, căng thẳng khi chọn ngành, trường cũng dẫn tới xác suất chọn sai rất cao. Việc đặt trọn mọi mong đợi vào trường đại học dễ khiến các bạn trẻ cảm thấy chán nản, bị cuốn theo những điều tiêu cực.
Thực tế, chúng ta học suốt đời vì mọi thứ sẽ liên tục thay đổi. Hời hợt hay quá căng thẳng đều là điều không nên.