Sử dụng, lạm dụng điện thoại thông minh quá nhiều sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thể chất, tinh thần, sức khỏe và cả nhận thức xã hội của trẻ.
Sử dụng, lạm dụng điện thoại thông minh quá nhiều sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thể chất, tinh thần, sức khỏe và cả nhận thức xã hội của trẻ.
Theo khảo sát của ban truyền thông, trường đại học Lương Thế Vinh, bàn về tác hại của “điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử” tới trẻ nhỏ, các nhà tâm lý học cho rằng phụ huynh nên “cai nghiện” điện thoại thông minh cho mình và cho trẻ trước khi quá muộn. Thực trạng những năm vừa qua, khi dịch bệnh covid-19 hoành hành, thời gian ở nhà của trẻ, và của các phụ huynh tăng lên rất nhiều. Chính hoàn cảnh này dẫn đến việc các em học sinh phải sử dụng điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử để học, ngoài ra vì không có điều kiện để ra ngoài vui chơi, nên các bậc phụ huynh thường cho con nghịch điện thoại. Thậm chí, trẻ nhỏ còn tiếp xúc với điện thoại nhiều hơn khi chính cha mẹ chúng cũng là con nghiện “điện thoại”. Các phụ huynh dù vẫn hiện diện trước mặt con nhưng lại hy sinh thời gian quý báu để chìm đắm vào chiếc điện thoại có kết nối mạng. Điều này tưởng vô hại, nhưng nó lại có hậu quả vô cùng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ nhỏ. Dưới đây là những tác động xấu đối với trẻ khi chúng ta để điện thoại thông minh kiểm soát cuộc sống của mình.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học California (Mỹ) đã phát hiện rằng nếu cha mẹ lơ là con cái, đặc biệt là người mẹ, trẻ có nhiều khả năng bị rối loạn cảm xúc, thậm chí trầm cảm hay hành động liều lĩnh. Như vậy, nếu thiếu đi sự quan tâm của cha mẹ, trẻ thường ít chủ động và trở nên chậm chạp hơn, đồng thời sự phát triển trí não cũng bị ảnh hưởng.
Nhiều bậc cha mẹ thường cấm con dùng điện thoại quá nhiều, nhưng lại vô tình sử dụng quá nhiều thời gian của bản thân vào màn hình điện thoại. Vô hình mang lại thông điệp không đúng đắn cho trẻ, khiến trẻ không xem cha mẹ là hình mẫu tốt, khiến chúng buồn bã, tức giận và cô đơn khi cha mẹ chọn điện thoại thay vì chọn mình. Một số trẻ còn cực đoan, cáu giận và có những hành xử không tốt với cha mẹ.
Trẻ em cần được quan tâm để thấy an toàn và tự tin, điều đó góp phần vào sự phát triển toàn diện cảm xúc của trẻ và giúp chúng dễ dàng tương tác với người khác hơn. Dù cha mẹ thật lòng yêu thương và tôn trọng con cái, nhưng việc lạm dụng điện thoại thông minh có thể khiến trẻ cảm thấy bản thân không đủ quan trọng để được yêu thương và nảy sinh tâm lý tranh giành sự chú ý của cha mẹ.
Mối dây tình cảm giữa cha mẹ và con cái bền chặt nhưng cũng rất dễ bị tổn thương. Các nhà nghiên cứu đã đánh giá hành vi của trẻ sơ sinh từ 7-24 tháng tuổi trong tình huống mẹ ngừng chơi với chúng và đổ dồn sự chú ý vào điện thoại.
Họ phát hiện rằng trẻ có biểu hiện đau khổ và không hứng thú khám phá môi trường xung quanh khi mẹ đang sử dụng điện thoại. Mẹ sử dụng điện thoại càng lâu, trẻ càng tỏ ra tách biệt và không quan tâm đến mẹ. Ngay cả khi mẹ đã sẵn sàng để chơi cùng trẻ trở lại, chúng không còn tham gia giao tiếp nhiều như trước.
Việc cả phụ huynh, lẫn trẻ nhỏ nghiện điện thoại ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ. Tiếp xúc với màn hình điện thoại thời gian quá nhiều trong một ngày khiến thị lực trẻ và cả người lớn giảm sút.
Tốn quá nhiều thời gian vào điện thoại cũng đồng nghĩa với việc giảm đi thời gian luyện tập, rèn luyện sức khỏe, cũng như thời gian vui chơi, sinh hoạt bị thu ngắn. Khiến trẻ không có hứng thú khám phá cuộc sống. Trở nên thụ động, mất dần khả năng tương tác với các vấn đề trong xã hội.
Hơn thế, những sản phẩm mạng, phát trên điện thoại còn có chứa nhiều những sản phẩm sai lệch: bạo lực, các tệ nạn… Nếu trẻ tiếp xúc nhiều với những thứ văn hóa phẩm tồi tệ đó, sẽ khiến cho trẻ dễ vô tình bị nhiễm những thói hư, tật xấu từ lúc nào không hay.
Thời đại 4.0, công nghệ thông tin ngày càng phát triển, xã hội ngày càng đổi mới, chúng ta nên tìm cách cân bằng để đời sống con người ngày càng nâng cao, lành mạnh, an toàn.