Sau khi kết thúc thời hạn đăng ký nguyện vọng xét tuyển, theo thống kê, có hơn 325.000 thí sinh không nhập nguyện vọng lên Hệ thống. Có ý kiến cho rằng đây là điều bất thường.
Sau khi kết thúc thời hạn đăng ký nguyện vọng xét tuyển, theo thống kê, có hơn 325.000 thí sinh không nhập nguyện vọng lên Hệ thống. Có ý kiến cho rằng đây là điều bất thường.
Theo thống kê từ Bộ GD&ĐT, tính đến 17h ngày 20/8/2022 (thời điểm Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT tự động khóa chức năng đăng ký xét tuyển để chuyển sang quy trình mới), có 616.522/ 941/759 thí sinh đăng ký nập nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2022.
Đến thời điểm 20 giờ 30 phút ngày 20/8/2022, sau khi đã xử lý đầy đủ các lệnh đăng ký nguyện vọng của thí sinh đang chờ vào thời điểm 17 giờ 00 phút, Hệ thống cũng không ghi nhận sự gia tăng nào của việc thí sinh tiếp tục vào Hệ thống để đăng ký xét tuyển bổ sung.
Trong quá trình đăng ký, các thí sinh đều tiến hành một cách thuận lợi, không gặp khó khăn và không xảy ra hiện tượng bị nghẽn mạng cho tới phút đăng ký của thời hạn cuối cùng.
Có trên 325.000 thí sinh đã quyết định không nhập nguyện vọng lên Hệ thống (chiếm 34,6% trên tổng số thí sinh có mong muốn lựa chọn đăng ký xét tuyển trước khi thi tốt nghiệp THPT).
Nói về vấn đề này, hiện nay, dư luận đang xảy ra 2 luồng ý kiến trái triều trước con số trên. Nhiều người cho rằng, số liệu trên là bình thường. Hiện nay, nhiều phụ huynh và học sinh nhận thấy đại học chưa phải là con đường duy nhất, cũng như về năng lực và điều kiện kinh tế, họ muốn con em mình đi học nghề để phát triển sự nghiệp hoặc họ muốn con em mình học tập ở nước ngoài thay vì trong nước… Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng, con số trên 325.000 thí sinh không nhập nguyện vọng lên hệ thống là bất thường, đáng quan ngại.
PGS.TS Mai Quốc Chánh – chủ tịch Hội đồng tuyển sinh trường ĐH Lương Thế Vinh cho rằng, việc có 325.000 thí sinh không nhập nguyện vọng là số liệu bình thường, không thể hiện điều gì đáng quan ngại.
Mọi năm, khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, thí sinh phải cùng lúc đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học (sau đó, có thể điều chỉnh thông tin đăng ký nguyện vọng xét tuyển trong thời gian quy định) và nộp lệ phí xét tuyển ngay. Do đó, thí sinh sẽ có xu hướng và tâm lý “cứ đăng ký trước, đăng ký thật nhiều nguyện vọng” vì cho rằng, đây là cơ hội trúng tuyển, sau đó mới dần điều chỉnh.
Năm nay, khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, thí sinh chưa phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, mà chỉ cần tích vào một ô trên phiếu đăng ký dự thi với nội dung “có ý định đăng ký xét tuyển đại học hay không”. Đa số các em sẽ tích vào ô này vì không gây ảnh hưởng gì, sau này mới là thời điểm quyết định đăng ký nguyện vọng thực sự. Tới khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh mới thực sự đăng ký nguyện vọng xét tuyển cụ thể và nộp lệ phí.
“Năm nay, khi nhận được kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT, các em sẽ biết được năng lực của bản thân mình. Cũng có nhiều thí sinh nhận thấy điểm thi của mình không cao, cạnh tranh vào các trường đại học rất khó nên các em đã không đăng ký nữa. Hiện nay, ngoài được đào tạo ở đại học, còn rất nhiều trung tâm đào tạo dạy nghề, đó cũng là một trong những lựa chọn nhiều thí sinh hướng tới. Ngoài ra, còn có nhiều em khác có quyết định đi du học. Cho nên, năm nay có hơn 325.000 em không nhập nguyện vọng lên Hệ thống là chuyện bình thường.” - Ông Chánh trao đổi.