Mới đây, nhiều trường đại học top đầu đã kiến nghị lên Bộ GD & ĐT yêu cầu tăng độ khó đề thi tốt nghiệp THPT năm nay để có thể phân loại thí sinh tốt hơn.
Mới đây, nhiều trường đại học top đầu đã kiến nghị lên Bộ GD & ĐT yêu cầu tăng độ khó đề thi tốt nghiệp THPT năm nay để có thể phân loại thí sinh tốt hơn.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT là một trong những kỳ thi quan trọng và là một trong những phương thức xét tuyển đại học chủ yếu của hầu hết các trường đào tạo đại học trên cả nước.
Hai năm vừa qua, do tình hình covid – 19 ảnh hưởng nặng nề đến công tác dạy và học, để đảm bảo mục tiêu xét tốt nghiệp cho các em học sinh, Bộ GDĐT đành phải hạ tiêu chí của đề thi. Nhưng đề thi dễ lại dẫn đến tình trạng phân hóa giảm, điều này buộc nhiều trường đại học phải sử dụng thêm rất nhiều phương thức xét tuyển khác để đảm bảo chất lượng tuyển sinh đầu vào. Đứng trước tình trạng này, năm nay rất nhiều trường đại học, thậm chí là những trường đại học tốp đầu cả nước đã kiến nghị lên Bộ GDDT, mong muốn Bộ xây dựng đề thi có tính phân hóa cao hơn, để các trường có thể sử dụng kết quả này xét tuyển.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM bày tỏ quan điểm: nội dung đề thi tốt nghiệp THPT chủ yếu đáp ứng yêu cầu xét tốt nghiệp nhưng thực tế các trường ĐH đều sử dụng để tuyển sinh. Nếu đề thi không phân hóa tốt sẽ khó khăn cho các trường tốp trên khi xét tuyển bằng kết quả thi THPT. Năm nay tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên các trường tốp đầu cũng khó tổ chức những kỳ thi đánh giá riêng theo nguyên tắc tự chủ tuyển sinh được. Vì vậy phần lớn các trường, đặc biệt trong khối khoa học sức khỏe vẫn sử dụng chủ yếu kết quả kỳ thi THPT làm phương thức tuyển sinh chính. Chính việc này các trường rất mong muốn đề thi tốt nghiệp THPT có tính phân hóa cao hơn, giúp các trường lựa chọn thí sinh có năng lực phù hợp vào học.
PGS.TS Mai Quốc Chánh – hiệu trưởng trường đại học Lương Thế Vinh cũng đồng tình ủng hộ quan điểm này. Thầy nói thêm, theo quy chế điểm xét tốt nghiệp THPT gồm điểm các bài thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, điểm ưu tiên, khuyến khích nếu có và điểm trung bình cả năm lớp 12. Do đó, độ phân hóa của đề thi cao cũng không làm thay đổi quá nhiều đến tỉ lệ tốt nghiệp, học sinh học tốt vẫn sẽ thi tốt và các học sinh trung bình cũng có thể đủ sức để tốt nghiệp với đề thi có độ phân hóa. Đề thi như vậy cũng sẽ giúp các trường tốp trên thuận lợi hơn trong tuyển sinh và góp phần tiết kiệm cho xã hội khi không phải tổ chức thêm hình thức thi nào nữa.
Cũng theo các trường đại học, tăng độ khó của đề thi tốt nghiệp THPT không có nghĩa là điều chỉnh độ khó của toàn bộ đề thi mà chỉ là điều chỉnh độ khó của những câu hỏi phân loại (khoảng tầm 30%), điều này không ảnh hưởng đến quá trình xét tốt nghiệp cho nhiều em học sinh có học lực khá hoặc trung bình, đồng thời nó tránh tình trạng như 2 năm trước, nhiều em học sinh đạt 29, 30 điểm mà vẫn trượt đại học.
Điều quan trọng cần điều chỉnh là độ phân hóa đề thi chứ không phải độ khó. Đề thi này phải có sự phân hóa rõ rệt: phải có số câu hỏi dễ để học sinh trung bình đều làm được và cũng có số câu hỏi khó hơn theo mức độ khác nhau học sinh khá, giỏi, xuất sắc mới làm được để phân loại được thí sinh. Đó là cơ sở để các trường ĐH xét tuyển tốt nhất.
Theo ghi nhận của ban tuyển sinh đại học trường đại học Lương Thế Vinh, khi phỏng vấn một số em học sinh tại thành phố Nam Định, một số em học sinh giỏi cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ việc phân hóa đề thi tốt nghiệp THPT, một em nói "Nếu đề thi sắp xếp tuần tự câu hỏi từ dễ đến khó, trong đó những câu cuối đặc biệt khó để ai thật sự giỏi mới xứng đáng được điểm 9 - 10, sẽ hợp lý hơn việc có các cơn mưa điểm 10 trong kỳ thi".