Cho đến nay, các vấn đề về giáo dục giới tính vẫn chỉ được dạy nhỏ giọt, khó trở thành môn học độc lập trong nhà trường, chuyên gia giáo dục phân tích những rào cản này.
Cho đến nay, các vấn đề về giáo dục giới tính vẫn chỉ được dạy nhỏ giọt, khó trở thành môn học độc lập trong nhà trường, chuyên gia giáo dục phân tích những rào cản này.
Tính đến thời điểm hiện tại, theo số liệu được ban tuyển sinh đại học trường đại học Lương Thế Vinh thống kê: số lượng các vụ xâm hại tình dục hay phá thai ngoài ý muốn ở trẻ vị thành niên ngày càng tăng cao. Mức độ này càng tăng cao trong bối cảnh học sinh phải học online kéo dài do tình hình dịch bệnh. Số lượng các em ở độ tuổi THCS xem phim khiêu dâm ngày càng cao. Khảo sát của UNICEF năm 2020 có tới 49% trẻ vị thành niên tham gia khảo sát thừa nhận đã tiếp xúc với nội dung khiêu dâm trực tuyến. Ghi nhận ở Việt Nam, hội Kế hoạch hóa gia đình cho biết mỗi năm có khoảng 30.000 ca nạo phá thai, chủ yếu ở độ tuổi 15 – 19.
Phân tích với ban tuyển sinh trường đại học Lương Thế Vinh, nhiều chuyên gia giáo dục chỉ ra rằng, biện pháp hiệu quả nhất để giảm thiểu tình trạng trên đó là việc tăng cường phổ biến kiến thức về giới tính và tình dục cho trẻ.
Tuy nhiên, các vấn đề về tình dục, giới tính đến nay vẫn chỉ được dạy nhỏ giọt. Trong các trường học ở Việt Nam hiện nay, giáo dục giới tính không phải môn riêng biệt mà được lồng ghép, tích hợp với môn học khác như Khoa học và Sinh học. Trẻ được làm quen với cách vệ sinh thân thể từ lớp ba nhưng phải đến lớp năm, các em mới tiếp xúc với những bài học đơn giản đầu tiên về giáo dục giới tính.
Tại gia đình, việc giáo dục giới tính cho trẻ cũng ít được thực hiện, hầu hết các bậc phụ huynh cảm thấy ngại, hoặc lảng tránh trước việc trẻ nhỏ tò mò về vấn đề giới tính. Thậm chí khi trẻ tự tìm đến các trang web không lành mạnh về giới tính, thay vì giải thích cho con hiểu rõ, nhiều phụ huynh còn có thái độ tiêu cực, cấm đoán, hoặc đánh mắng con mình. Điều này thực sự gây ra lo lắng lớp cho các nhà giáo dục, cũng như các nhà công tác xã hội.
Theo các chuyên gia, có nhiều lý do khiến giáo dục giới tính chưa thể trở thành môn học độc lập trong trường học. Trong đó, rào cản lớn nhất liên quan đến những e ngại về hiệu quả của môn học này khi chưa có các nghiên cứu sâu về tác động hai mặt của giáo dục giới tính; cũng như chưa có phương pháp giảng dạy phù hợp với tâm lý người học ở các xã hội Đông Á như Việt Nam.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ có nhận được đề xuất đưa giáo dục giới tính trở thành môn học độc lập như Toán hay Tiếng Việt. Tuy nhiên, theo ông, chương trình giáo dục phổ thông mới đã có cách tiếp cận vấn đề này một cách toàn diện, dù không được dạy thành môn riêng. Học sinh sẽ được học về giới tính từ lớp 1, với các kiến thức được tích hợp vào các môn như Tự nhiên và Xã hội, Hoạt động trải nghiệm, Giáo dục thể chất.
Nhiều chuyên gia giáo dục cũng nhấn mạnh cần chủ động lên kế hoạch giáo dục giới tính cho học sinh tại trường học với tầm nhìn học kỳ hoặc năm học với các giai đoạn rõ ràng; đồng thời chuẩn bị đội ngũ chuyên môn, cập nhật kiến thức sao cho bài bản, nghiêm túc nhưng vẫn đảm bảo sự thoải mái, nhẹ nhàng để thu hút học sinh một cách tự nhiên. Đặc biệt nên mời các chuyên gia tâm lý - giáo dục, các bác sĩ chuyên khoa, các tổ chức y tế báo cáo, tập huấn, giảng dạy kiến thức, kỹ năng, phương pháp giáo dục giới tính nên được thực hiện định kỳ, thường xuyên trong trường học với nhiều hình thức.
PGS Đỗ Ngọc Khanh cho rằng trong khi giáo dục giới tính chưa trở thành môn riêng, các vai trò của giáo dục trong gia đình là rất quan trọng. Từ khi trẻ còn nhỏ, thậm chí vài tháng tuổi, cha mẹ nên bắt đầu dạy giới tính cho con bằng cách chăm sóc, nâng niu cơ thể, để con biết trân trọng bản thân. Sau đó, khi con lớn dần, phụ huynh sẽ dạy con về vệ sinh, biết mặc quần áo để che cơ thể. Giáo dục giới tính trong trường học sẽ tiếp nối khi các con đã có kiến thức cơ bản từ gia đình.