Ngành xây dựng có vai trò quan trọng hàng đầu trong công cuộc hiện đại hóa đất nước, cũng là một trong những ngành có sự phát triển nhanh nhất, cùng tìm hiểu những quy định về phân cấp công trình trong xây dựng dân dụng.
Ngành xây dựng có vai trò quan trọng hàng đầu trong công cuộc hiện đại hóa đất nước, cũng là một trong những ngành có sự phát triển nhanh nhất, cùng tìm hiểu những quy định về phân cấp công trình trong xây dựng dân dụng.
Từ xa xưa, con người đã biết tận dụng tự nhiên và cải tạo tự nhiên để phục vụ cho cuộc sống của mình trở lên tốt hơn. Từ việc sử dụng các hang động làm nơi trú ẩn tiến tới dựng lên những ngôi nhà vách đất mái lá để ở, những bức tường thành bằng đá để ngăn chặn kẻ địch… Trong cuộc sống ngày nay, các công trình xây dựng ngày càng phát triển, không những phục vụ nhu cầu ở và chống lại sự tác động bất lợi của tự nhiên, sự tấn công của kẻ thù mà còn phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, một số công trình trở thành biểu tượng của đất nước, ghi dấu ấn lịch sử trong sự phát triển…
Với sự phát triển của ngành Kỹ thuật xây dựng các công trình xây dựng ngày nay rất phong phú và đa dạng. Từ các công trình phục vụ an ninh quốc phòng đến các công trình dân sinh, an sin xã hội. Việc phân chia nhóm các công trình được dựa theo chức năng, nhiệm vụ của công trình. Từ đó các thuật ngữ như công trình xây dựng dân dụng, công trình giao thông hay công trình thủy lợi… đã ra đời. Việc phân chia này chỉ mang tính chất tương đối, bởi vì bản thân dự án là tổng hợp của nhiều công việc khác nhau bao gồm toàn bộ phần hạ tầng kỹ thuật, giao thông liên lạc, hệ thống điện, điều hòa không khí, thông gió, cấp thoát nước… Bộ xây dựng đã đưa ra QCVN 03:2012/BXD, tại thông tư 03/2016/TT-BXD ngày 10/03/2016 để quy định về phân cấp công trình xây dựng, phân loại CTXD và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng. Theo đó, Công trình XD dân dụng là những công trình phục vụ cuộc sống hàng ngày của người dân bao gồm nhà ở, CT giáo dục, văn hóa, thể thao, văn phòng làm việc, trụ sở hành chính, chợ, siêu thị, … Các CT lại được phân chia thành các cấp độ khác nhau: từ cấp IV đến cấp I và cấp đặc biệt, để phục vụ quá trình quản lý nhà nước. Cấp CT được xác định theo từng loại công trình, căn cứ vào quy mô, tầm quan trọng, yêu cầu kỹ thuật XD, tuổi thọ công trình và mức độ an toàn đối với người và tài sản trong công trình đó.
Về loại hình nhà ở riêng lẻ phụ thuộc vào từng vùng miền và thời kỳ, loại hình chung cư cũng có nhiều thay đổi cùng với thời gian. Thời gian đầu là những khu nhà tập thể các hộ gia đình sống cạnh nhau. Sau đó, chuyển sang các công trình dưới 6 tầng và chia thành nhiều căn hộ nhỏ, các căn hộ sử dụng chung hành lang và cầu thang và hiện nay những tòa nhà cao tầng liên tục mọc lên đáp ứng nhu cầu của người dân với kết cấu kiên cố và dịch vụ thuận tiện.
Với công trình công cộng: là loại hình các CT phục vụ nhu cầu của con người như học tập, khám chữa bệnh, văn hóa, thể thao …Tùy thuộc vào chức năng nhiệm vụ mà mỗi CT sẽ mang một hình thái khác nhau. Từ việc bố trí các phòng, không gian trong từng phòng đến quang cảnh xung quanh.
Với Nhà ở: Khi phân cấp nhà ở phải tính đến mức độ nguy hiểm cho sự an toàn của người và khả năng thoát người khi có sự cố. Nhà chung cư được xếp vào loại nhà thuộc nhóm nguy hiển cháy F1.3. Nhà ở riêng lẻ thuộc nhóm nguy hiểm cháy F1.4. Đối với nhà chung cư đến 25 tầng phải được xây dựng với cấp công trình không nhỏ hơn cấp II. Nhà chung cư trên 25 tầng phải được xây dựng với cấp công trình không nhỏ hơn cấp I.
Công trình công cộng: các công trình di tích lịch sử, bảo tàng, toà nhà lưu trữ khi xác định cấp công trình phải tính đến mức độ an toàn về tài sản quý, hiếm được bảo quản, lưu giữ trong công trình.
Nhà và công trình công cộng phải có cấp công trình từ cấp I trở lên: Nhà và công trình có tầm cỡ quốc tế, quốc gia, CT có ý nghĩa đặc biệt về an ninh, quốc phòng và ngoại giao; Trụ sở cơ quan Đảng, Quốc hội, cơ quan hành chính nhà nước cấp Trung ương và cấp Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương; Các công trình phục vụ trực tiếp cho công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, cấp cứu trong trường hợp xảy ra thiên tai, cháy nổ, dịch bệnh.
Đối với phần kết cấu chịu lực của công trình dân dụng: chủ yếu được làm từ gạch xây, bê tông cốt thép, gỗ. Một số công trình do yêu cầu về tiến độ, vượt nhịp lớn có thể làm từ kết cấu thép, hợp kim thép.
Ngày nay, các công trình nhà ở chủ yếu được làm từ khung bê tông cốt thép chịu lực kết hợp xây gạch bao che tạo nên nhiều công trình cao tầng. Với những công trình vượt nhịp từ 8m đến 12m thường sử dụng hệ kết cấu bê tông cốt thép ứng lực trước, với những công trình vượt nhịp lớn hơn 12m thì thường sử dụng hệ kết cấu thép.
Với những chia sẻ trên đây của Thầy Phạm Đức Cương Khoa Xây dựng trường Đại học Lương Thế Vinh hi vọng các bạn đã nắm được các quy định về phân cấp công trình xây dựng, phân loại công trình xây dựng dân dụng.