Bán hạ là một vị thuốc quý trong kho tàng y học cổ truyền, được sử dụng rộng rãi trong các bài thuốc chữa bệnh từ ngàn đời. Ở nước ta, cây bán hạ Việt Nam – còn gọi là bán hạ nam – có nhiều tên dân gian như củ chóc, chóc chuột hay lá ha chìa.
Bán hạ là một vị thuốc quý trong kho tàng y học cổ truyền, được sử dụng rộng rãi trong các bài thuốc chữa bệnh từ ngàn đời. Ở nước ta, cây bán hạ Việt Nam – còn gọi là bán hạ nam – có nhiều tên dân gian như củ chóc, chóc chuột hay lá ha chìa.
Cây bán hạ là loài cỏ không có thân, phần củ nằm dưới đất, hình cầu, đường kính khoảng 2cm. Lá cây có hình dạng khá đa dạng – có thể là hình mác, hình tim hoặc chia thùy, với kích thước chiều dài từ 4 đến 15cm, rộng từ 3,5 đến 9cm. Hoa mọc thành cụm, gọi là bông mo, với phần hoa đực nằm phía trên, hoa cái ở dưới. Hoa có màu xanh pha tím đỏ, khá đặc trưng. Quả thuộc dạng mọng nước, hình trứng, dài khoảng 6mm.
Ngoài giống bản địa, còn có cây bán hạ Trung Quốc (Pinellia ternata), tuy cũng thuộc họ Ráy nhưng có đặc điểm khác biệt là phần lá xẻ thùy sâu hơn.
Phần dược liệu được sử dụng chính là củ cây bán hạ. Người ta thường thu hoạch vào khoảng tháng 8 - 9, khi cây đã tàn. Củ sau khi đào được rửa sạch, bỏ rễ phụ. Củ lớn gọi là nam tinh, củ nhỏ gọi là bán hạ. Có thể sử dụng tươi (như giã đắp khi bị rắn cắn) hoặc chế biến khô để dùng lâu dài.
Theo các nghiên cứu hiện đại, bán hạ Trung Quốc chứa nhiều hoạt chất như tinh dầu, ancaloid, phytosterol, chất cay, chất nhầy... Trong khi đó, bán hạ Việt Nam nổi bật với các thành phần như saponin, axit hữu cơ, axit amin, coumarin… Dược liệu này có vị cay, tính ấm, có độc và đi vào các kinh phế, tỳ, vị.
Cách bào chế để khử độc trong bán hạ
Theo TS Lê Xuân Hùng, giảng viên khoa Y học cổ truyền Trường Đại học Lương Thế Vinh cho biết, bán hạ ở dạng sống có chứa độc tính nên cần được bào chế đúng cách để có thể sử dụng an toàn. Y học cổ truyền có nhiều phương pháp chế biến khác nhau, tiêu biểu gồm:
Pháp Bán hạ: Sau khi ngâm nước sạch trong khoảng 10 ngày, củ sẽ được tiếp tục ngâm với Bạch phàn hoặc nước cam thảo pha vôi để khử độc. Quá trình ngâm cần khuấy đều mỗi ngày đến khi dược liệu chuyển vàng đều thì đem phơi khô trong bóng râm.
Khương Bán hạ: Bán hạ sau khi đã qua bào chế Pháp Bán hạ sẽ được đun với gừng tươi và Bạch phàn, sau đó thái miếng và phơi khô.
Thanh Bán hạ: Pháp Bán hạ được đun thêm lần nữa với nước và Bạch phàn, rồi cắt nhỏ và phơi trong râm mát.
Bán hạ khúc: Củ tươi được đun nhiều lần với phèn chua, thay nước liên tục trong 7 ngày 7 đêm, sau đó phơi khô và tán bột.
Tác dụng của bán hạ trong y học cổ truyền và hiện đại
Theo y học cổ truyền, bán hạ có khả năng hóa đàm, giáng nghịch, cầm nôn, tiêu thũng, tán kết… thường được dùng trị các chứng như đàm ẩm, nôn mửa, ăn uống kém, tức ngực, đầu váng, mạch yếu.
Nghiên cứu hiện đại cũng chỉ ra rằng, bán hạ sau khi chế biến có các tác dụng như:
- Chống nôn hiệu quả: Các dạng thuốc từ bán hạ chế biến như cao, bột, nước sắc có thể giúp cầm nôn rất tốt.
- Kháng độc: Có thể hỗ trợ giải độc khi bị nhiễm acetylcholin hoặc strychnin.
- Ức chế tế bào ung thư: Một số nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ cây bán hạ có thể kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư trong điều kiện thí nghiệm.
- Giảm ho: Nước sắc từ dược liệu này được cho thấy có tác dụng giảm ho ở động vật thử nghiệm, dù hiệu quả không bằng codein.
Các bài thuốc dân gian từ bán hạ
Bán hạ được sử dụng trong nhiều bài thuốc y học cổ truyền trị các chứng bệnh khác nhau. Một số ví dụ tiêu biểu như:
- Chữa nấc cụt, chóng mặt, buồn nôn: Dùng bán hạ sống, thiên nam tinh, hàn thủy mạch với liều lượng bằng nhau, giã nhuyễn, viên nhỏ uống với nước gừng.
- Chữa hen suyễn, phong đàm: Dùng bán hạ kết hợp với hùng hoàng, tạo thành viên nhỏ uống kèm nước gừng.
- Trị đờm nhiều, đầy tức ngực: Bán hạ và thần sa tán mịn, trộn nước gừng uống mỗi ngày.
- Giảm đau do côn trùng đốt: Dùng bột bán hạ trộn nước đắp ngoài da.
- Giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt: Bán hạ kết hợp gừng và phục linh, sắc uống hàng ngày.
- Trị nôn nghén ở thai phụ: Kết hợp bán hạ, nhân sâm, can khương và nước gừng làm viên uống.
- Điều trị tiêu chảy, đầy hơi ở trẻ: Dùng bán hạ ngâm kỹ, sắc với trần hương và gừng làm nước uống.