Đại táo không chỉ là loại quả quen thuộc trong ẩm thực mà còn là vị thuốc quý trong y học cổ truyền. Với vị ngọt, tính ôn và nhiều công dụng trị liệu, đại táo mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe khi được sử dụng đúng cách.
Đại táo không chỉ là loại quả quen thuộc trong ẩm thực mà còn là vị thuốc quý trong y học cổ truyền. Với vị ngọt, tính ôn và nhiều công dụng trị liệu, đại táo mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe khi được sử dụng đúng cách.
Đại táo là quả của cây táo ta (Ziziphus jujuba), thuộc họ Táo (Rhamnaceae). Cây đại táo thường cao khoảng 5–10 mét, có lá mọc so le và viền răng cưa. Quả của nó có hình tròn hoặc bầu dục, khi chín có màu đỏ nâu sậm, vỏ nhăn nheo, thịt dày và ngọt lịm. Sau khi phơi khô, đại táo trở nên dai và dẻo, thường được sử dụng trong cả ẩm thực lẫn các bài thuốc y học cổ truyền.
Theo y học cổ truyền, đại táo có vị ngọt, tính ôn, quy kinh tỳ và vị. Những đặc điểm này giúp loại quả nhỏ bé này trở thành một vị thuốc quý với nhiều công dụng như:
Bổ tỳ, ích khí: Đại táo hỗ trợ chức năng tiêu hóa, giúp cải thiện chứng ăn uống kém, đầy hơi, tiêu chảy do tỳ hư.
Dưỡng vị, sinh tân dịch: Quả có khả năng làm dịu dạ dày, giúp tạo nước bọt, giảm khô miệng – nhất là trong những trường hợp suy nhược cơ thể hoặc thời tiết hanh khô.
An thần, dưỡng tâm: Một số bài thuốc sử dụng đại táo để làm dịu tâm trí, cải thiện giấc ngủ, giảm lo âu và hồi hộp.
Điều hòa tác dụng của các vị thuốc khác: Trong các bài thuốc cổ phương, đại táo thường được kết hợp cùng các dược liệu có tính mạnh để giảm bớt độc tính, làm tròn vị thuốc và tăng hiệu quả điều trị tổng thể.
Theo TS Nguyễn Xuân Xã – giảng viên khoa Y học cổ truyền Trường Đại học Lương Thế Vinh cho biết, Đại táo có thể được dùng ở dạng quả khô, đun nước uống, hầm canh, hoặc kết hợp trong các bài thuốc cổ truyền. Dưới đây là một vài gợi ý ứng dụng hiệu quả:
Sắc nước uống hàng ngày: Dùng 5–10 quả đại táo, nấu với 1 lít nước, uống như trà giúp cơ thể tăng sức đề kháng, cải thiện tiêu hóa và giữ ấm tỳ vị.
Hầm với gà hoặc chim bồ câu: Một món ăn – bài thuốc quen thuộc giúp bồi bổ cơ thể, rất thích hợp cho người mới ốm dậy, người suy nhược.
Kết hợp cùng thảo dược khác: Trong nhiều toa thuốc, đại táo thường đi cùng cam thảo, sinh khương, bạch truật để tăng cường hiệu quả chữa bệnh và điều hòa vị thuốc.
Một số bài thuốc y học cổ truyền tiêu biểu có đại táo gồm:
Chữa tỳ hư, ăn uống kém: Dùng đại táo, gừng khô, bạch truật sao vàng, kê nội kim tán bột mịn, hòa với nước ấm uống đều đặn mỗi ngày.
Hỗ trợ mất ngủ, suy nhược thần kinh: Kết hợp đại táo với toan táo nhân, cam thảo, phục thần sắc uống vào buổi tối trước khi ngủ.
Điều hòa kinh nguyệt, giảm đau bụng kinh: Đại táo nấu với gừng tươi và đường đỏ giúp làm ấm tử cung, lưu thông khí huyết.
Dù là loại thảo dược lành tính, nhưng không phải ai cũng phù hợp dùng đại táo. Những người có tỳ vị thấp nhiệt, đờm nhiều, đau răng hoặc tiêu hóa chậm nên hạn chế. Ngoài ra, do có lượng đường tự nhiên cao, người bị tiểu đường cũng cần tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi dùng.
Một điểm quan trọng nữa là cần chọn mua đại táo từ những nơi uy tín, tránh loại có tẩm hóa chất hoặc phẩm màu, có thể gây hại cho sức khỏe nếu sử dụng lâu dài.