Ngành kỹ thuật xây dựng là một ngành học với những môn học đầy thử thách nhưng cũng vô cùng lý thú. Khi đi thực tập cũng là lúc bạn chập chững bước vào nghề, hãy tìm hiểu những kinh nghiệm cần thiết để đạt kết quả thực tập tốt.
Ngành kỹ thuật xây dựng là một ngành học với những môn học đầy thử thách nhưng cũng vô cùng lý thú. Khi đi thực tập cũng là lúc bạn chập chững bước vào nghề, hãy tìm hiểu những kinh nghiệm cần thiết để đạt kết quả thực tập tốt.
Khi bạn lựa chọn theo ngành xây dựng là cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận những khó khăn và thử thách của nghề nghiệp. Ngành xây dựng khó khăn cũng lắm và gian nan cũng nhiều, nhưng nó cũng có những niềm vui mà không thể nói hết được với những người ngoài ngành. Các bạn đã hoàn toàn lựa chọn đúng, khi bạn dồn tâm huyết của mình vào nó thì đến một ngày nào đó nó sẽ đem lại cho bạn những trái ngọt. Hãy tin tưởng và kiên định với lựa chọn của mình, ngành xây dựng sẽ không làm bạn thất vọng. Đất nước đang phát triển mạnh mẽ việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ngày càng cao khiến cho ngành xây dựng cũng phát triển với tốc độ chóng mặt. Xã hội ngày càng phát triển thì yêu cầu con người càng phải nâng cao trình độ để thích nghi với nó, vì thế khi tốt nghiệp ra trường, các bạn sinh viên cũng nên chuẩn bị cho mình những kỹ năng thật cần thiết để làm việc hiệu quả và tạo lập sự nghiệp. TS. Phạm Đức Cương – Trưởng khoa Xây dựng và công nghệ - Trường Đại học Lương Thế Vinh chia sẻ với các em sinh viên một số kỹ năng cơ bản cần thiết ở một kỹ sư xây dựng trước khi bước vào nghề:
Sẽ là một thảm họa nếu như một người kỹ sư xây dựng mà lại không biết đọc bản vẽ. Nếu như bạn không biết đọc bản vẽ thì coi như bạn học trong trường ra mà vẫn bị “mù chữ”. Bản vẽ chính là ngôn ngữ giao tiếp của ngành xây dựng, là ngôn ngữ chung của người thiết kế, tổ chức thi công, và chủ đầu tư xây dựng. Khi vào công việc, chúng ta chỉ nói trên cơ sở các bản vẽ thiết kế.
Khi đọc bản vẽ kỹ thuật yêu cầu bạn nắm bắt được những thông tin mà người thiết kế muốn truyền tải vào đó, hiểu được quy mô, tính chất công trình bạn thi công, hình dung được những công việc cần phải làm để hoàn thành công trình. Qua đó, bạn cũng phải bóc tách được khối lượng từ bản vẽ thì mới có cơ sở để tổ chức thi công, bố trí vật tư, trang thiết bị và nhân lực thi công.
Có bạn thì xác định đi thực tập chỉ xin dấu về nộp cho nhà trường, nên cả tháng mới đến công trường 1-2 lần… có khi không lần nào, mà người quen xin dấu xác nhận đã thực tập. Có bạn thì do ngại giao tiếp, hơi nhát một chút đến thì ngồi im một chỗ, chưa biết cách để tiếp cận, làm quen và hòa mình vào môi trường làm việc mới nên những buổi đầu thường chán nản và có tư tưởng bỏ cuộc.
Không phải lúc nào bạn cũng ở văn phòng để có thể nhờ bộ phận IT giúp đỡ khi máy tính gặp vấn đề nên bạn cần có các kỹ năng về sử dụng máy tính, thành thạo tin học văn phòng và những phần mềm thiết kế chuyên ngành.
Bạn phải biết tính toán kết cấu cho công trình, khi tính toán xong các bạn phải biết triển khai triển khai kế hoạch thực hiện. Hơn nữa, bạn cũng có thể nghiên cứu để thiết kế kiến trúc cơ bản cho các công trình xây dựng dân dụng đơn giản. Điều này giúp bạn có thể nhận thiết kế thêm các nhà dân, các công trình nhỏ theo mối quan hệ và làm cộng tác viên với một công ty tư vấn thiết kế nào đó. Để làm được điều này, các bạn phải học tốt các môn về kết cấu như, biết sử dụng phần mềm phân tích kết cấu, và cập nhật kiến thức về kiến trúc, bởi vì nó sẽ trang bị cho bạn những kỹ năng tốt nhất để bạn có thể tự chiến đấu một mình được.
Với các Kỹ sư xây dựng mới ra trường, tấm bằng loại ưu chưa hẳn là điểm cộng hoàn hảo cho bộ hồ sơ, nếu như bạn không có một ít kinh nghiệm thực tế. Vì vậy, ngoài tấm bằng đại học bạn còn phải có cả chứng chỉ hành nghề, phải chứng minh được kinh nghiệm làm việc. Không chỉ là thực tế khi tính toán, triển khai bản vẽ, lên dự toán, lập hồ sơ thầu mà còn phải biết những công việc tỉ mỉ khác để có thể quản lý và giám sát công trình. Các bạn phải tận dụng tốt khoảng thời gian của các học phần thực tập để thực hành nghề nghiệp đừng ngại va chạm thực tế hay năng động, tự tin học hỏi kinh nghiệm từ các kỹ sư dày dạn kinh nghiệm. Khi thực tập các bạn sinh viên ngành kỹ thuật xây dựng cần phải năng nổ trên công trường, đừng coi nhẹ các công việc nhỏ như: cầm bay, trét vữa, trộn hồ. Nhà tuyển dụng luôn đánh giá cao và khâm phục những tinh thần sẵn sàng học hỏi từ thực tế công việc như vậy.