Trong kho tàng dược liệu Y học cổ truyền, Tục đoạn là một trong những vị thuốc được đánh giá cao nhờ công dụng phong phú và hiệu quả rõ rệt, đặc biệt trong việc hỗ trợ xương khớp, an thai và chữa trị tổn thương do sang chấn.
Trong kho tàng dược liệu Y học cổ truyền, Tục đoạn là một trong những vị thuốc được đánh giá cao nhờ công dụng phong phú và hiệu quả rõ rệt, đặc biệt trong việc hỗ trợ xương khớp, an thai và chữa trị tổn thương do sang chấn.
Tên khoa học của tục đoạn là Radix Dipsaci, thuộc họ Dipsacaceae. Ngoài tên gọi phổ biến này, dân gian còn biết đến nó với các tên như Sâm nam, Rễ kế, Đầu vù, Djaou pa en (ở vùng Mèo Xiêng Khoảng).
Phần rễ là bộ phận chính được sử dụng trong y học. Khi quan sát bằng mắt thường, rễ tục đoạn có hình trụ, kích thước từ 1–6 cm chiều dài, đường kính từ 2–10 mm. Vỏ ngoài sậm màu, thường nâu đen và có các rãnh dọc, còn lõi bên trong mang màu nâu vàng đến nâu đen. Dược liệu khô có mùi thơm dịu, vị đắng và rất dai, khó gãy – điều này cho thấy sức sống bền bỉ, tương ứng với tác dụng bổ dưỡng mà nó mang lại.
Theo y học cổ truyền, tục đoạn có vị đắng, ngọt, hơi cay và tính ấm. Vị thuốc này được quy vào hai kinh quan trọng là Can và Thận, từ đó phát huy tác dụng toàn diện trong việc điều trị các chứng bệnh liên quan đến cơ xương khớp, sinh lý và thai sản.
Tục đoạn nổi bật với công năng bổ can thận, mạnh gân xương, liền gân, nối xương, an thai. Đây là vị thuốc thường được dùng trong các bài thuốc chữa đau lưng, mỏi gối, di tinh, động thai, rong kinh, băng huyết, đới hạ, cũng như gãy xương, đứt gân, hậu phẫu và sang chấn.
Tùy vào cách chế biến, tục đoạn có thể phát huy tác dụng ở các nhóm bệnh khác nhau:
Tục đoạn ngâm rượu (Tửu tục đoạn) thường được sử dụng cho các trường hợp bị phong thấp, va đập, chấn thương.
Tục đoạn tẩm muối (Diêm tục đoạn) thích hợp dùng cho người bị đau mỏi lưng gối do thận hư yếu.
Liều lượng thông thường từ 9g đến 15g mỗi ngày, thường được kết hợp cùng các vị thuốc khác để tăng hiệu quả.
Một số bài thuốc cổ phương có tục đoạn được bác sĩ, giảng viên Lê Xuân Hùng đang công tác tại Trường Đại học Lương Thế Vinh chia sẻ như sau:
An thai, phòng sẩy thai sớm: Dùng 80g tục đoạn đã tẩm rượu, kết hợp với 80g đỗ trọng sao nước gừng. Hai vị tán nhỏ, trộn với thịt táo đỏ, vo viên bằng hạt ngô. Uống 30 viên/ngày, dùng nước cơm để chiêu thuốc. Phù hợp với phụ nữ mang thai 2–3 tháng có dấu hiệu động thai.
Sau sinh mệt mỏi, lúc nóng lúc rét: Dùng 40g tục đoạn sắc với 600ml nước, cô đặc còn 200ml, chia uống 3 lần trong ngày. Bài thuốc giúp phục hồi khí huyết sau sinh, ổn định thân nhiệt.
Chữa đau lưng, yếu gối, phụ nữ sinh non: Phối hợp tục đoạn 20g với các vị thuốc như đỗ trọng dây, cẩu tích, ý dĩ sao, ba kích, đương quy – mỗi vị 10g. Sắc uống để bổ thận, tăng cường sức khỏe cơ xương khớp.
Giảm đau sau mổ, sau chấn thương: Dùng tục đoạn, cốt toái bổ, ngưu tất, sinh địa, mạch môn – mỗi vị 12g. Sắc uống giúp tái tạo mô, làm lành gân xương, giảm đau.
Dù mang nhiều lợi ích, tục đoạn không thích hợp cho người âm hư, nội nhiệt (âm hư hỏa vượng). Những người có biểu hiện như miệng khô, họng khát, gò má đỏ, mồ hôi trộm… nên tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng.