Thủy đậu là căn bệnh truyền nhiễm với triệu chứng dễ nhận biết như nổi các nốt đỏ kèm bọng nước trên da, sốt, ho và chán ăn. Nếu không điều trị đúng cách, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Bên cạnh phương pháp y học hiện đại, nhiều bài thuốc nam từ bạc hà, lá dâu tằm, cam thảo... cũng hỗ trợ điều trị hiệu quả và an toàn khi được sử dụng đúng cách.
Thủy đậu là căn bệnh truyền nhiễm dễ lây lan với những triệu chứng ban đầu thường thấy như sổ mũi, nhức đầu, sốt nhẹ, ho, chán ăn, rối loạn tiêu hóa và đi tiểu lỏng. Sau một vài ngày, người bệnh sẽ xuất hiện các nốt đỏ rải rác ở vùng lưng, sau đó lan rộng sang tay và chân nhưng với tần suất ít hơn.
Các nốt này sau khi nổi sẽ có bọng nước nhỏ ở chính giữa, gọi là bào chẩn. Những bọng nước này phát triển không đồng đều, bên trong chứa chất dịch trong suốt và có viền đỏ bao quanh. Tuy nhiên, chúng không bị mưng mủ và sau khoảng 3 đến 4 ngày sẽ tự khô và bong tróc.
Điều đáng chú ý là tuổi đời của các nốt thủy đậu khác nhau, một số nốt mới mọc trong khi những nốt khác đã khô và bay đi, đây là dấu hiệu đặc trưng của bệnh. Nếu không được điều trị đúng cách, thủy đậu có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như nhiễm khuẩn thứ phát trên da, nhiễm khuẩn tại các nốt rộp, và nguy hiểm hơn là viêm não, viêm tai giữa, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết hay viêm kết mạc.
Ngay khi phát hiện triệu chứng, người bệnh nên đến cơ sở y tế hoặc phòng khám chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời nhằm tránh biến chứng. Ngoài các phương pháp y học hiện đại, y học cổ truyền cũng có nhiều bài thuốc nam hỗ trợ điều trị thủy đậu hiệu quả được PGS.TS Tạ Thị Tĩnh, giảng viên khoa Y học cổ truyền Trường Đại học Lương Thế Vinh giới thiệu như:
Bạc hà: Vị thuốc này chứa tinh dầu và hoạt chất menthol, có tác dụng sát khuẩn, giảm sốt, trị nhức đầu, ho, viêm họng và ngạt mũi. Bạc hà cũng được dùng để trị các triệu chứng sưng đau và ngoại cảm phong nhiệt. Người bệnh có thể dùng 4-8g bạc hà dưới dạng thuốc hãm hoặc kết hợp với các vị thuốc khác.
Lá dâu tằm: Theo y học cổ truyền, lá dâu tằm có tác dụng hạ sốt, trị phát ban, ho, viêm họng và nhức đầu do cảm phong nhiệt. Liều dùng thường dao động từ 4-12g dạng thuốc sắc mỗi ngày.
Sinh địa: Sinh địa giúp cải thiện tình trạng âm hư, khát nước, phát nóng vào buổi chiều và viêm họng đau rát. Vị thuốc này còn hỗ trợ làm dịu ban chẩn và cải thiện tình trạng thiếu tân dịch. Người bệnh có thể dùng từ 8-16g sắc nước uống hàng ngày.
Cam thảo: Cam thảo là vị thuốc phổ biến với tác dụng trị ho mất tiếng, viêm họng, cảm mạo và ngộ độc. Người bệnh thường sử dụng cam thảo với liều lượng từ 4-12g dưới dạng bột, thuốc hãm hoặc sắc thuốc.
Kim ngân: Hoa và cành lá của kim ngân có đặc tính hạ sốt, kháng khuẩn và chống dị ứng, giúp điều trị ban sởi, mày đay, mụn nhọt và ho do phế nhiệt. Liều dùng phổ biến là từ 4-6g hoa hoặc 10-16g cành lá sắc uống.
Đậu xanh: Đậu xanh có tác dụng thanh nhiệt, giải độc và giảm phiền khát. Vỏ hạt đậu xanh cũng giúp tiêu độc hiệu quả. Người bệnh có thể dùng từ 25-50g đậu xanh hoặc vỏ hạt sắc nước uống mỗi ngày để hỗ trợ điều trị thủy đậu.
Hoàng cầm: Đây là vị thuốc có tác dụng an thần, hạ sốt, trị cảm mạo và giảm ho hiệu quả. Hoàng cầm thường được dùng với liều lượng từ 6-15g dạng bột hoặc thuốc sắc, giúp hỗ trợ chống co giật và cải thiện giấc ngủ.
Liên kiều: Liên kiều có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm và hạ sốt, giúp điều trị cảm sốt, phát ban, viêm đau họng và lợi tiểu. Người bệnh có thể dùng 6-12g liên kiều kết hợp với các vị thuốc khác hoặc 10-30g sắc uống riêng.
Kinh giới: Vị thuốc kinh giới nổi bật với khả năng kháng khuẩn và hạ sốt, thường được dùng để điều trị sởi, cúm, cảm mạo, viêm họng và đau đầu. Liều dùng phổ biến là từ 6-16g sắc nước hoặc hãm uống.
Thuốc nam là một phần quan trọng trong y học cổ truyền với tác dụng hỗ trợ điều trị hiệu quả nhiều bệnh lý, trong đó có thủy đậu. Tuy nhiên, người bệnh không nên tự ý sử dụng các vị thuốc này mà cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế hoặc thầy thuốc có chuyên môn để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị tốt nhất.
Từ xưa đến nay, lá mơ lông vẫn được xem là một loại rau gia vị ăn kèm khá phổ biến, thường được dùng trong các món ăn nhiều đạm như: gỏi cá, thịt chó, nem thính… Đặc biệt, đây không chỉ là loại rau ăn kèm mà còn là bài thuốc hay, có sẵn trong vườn nhà với nhiều công dụng tốt, điều trị các loại bệnh khác nhau.
Tầm gửi gạo, một loại dược liệu quen thuộc trong y học cổ truyền, thuộc họ Tầm gửi và có tên khoa học là Taxillus chinensis. Loại cây này thường phân bố rộng rãi tại Việt Nam, từ các vùng trung du, miền núi cho đến đồng bằng.
Y học cổ truyền từ lâu đã nổi tiếng với những bài thuốc chữa ho từ thảo dược tự nhiên. Các vị thuốc như tía tô, húng chanh, cam thảo hay bách bộ không chỉ giúp giảm ho hiệu quả mà còn an toàn cho sức khỏe. Hãy cùng tìm hiểu công dụng và cách dùng các thảo dược này để chữa ho tại nhà một cách an toàn, hiệu quả.
Hoàng liên chân gà từ lâu đã được sử dụng trong Đông y để điều trị nhiều bệnh lý như viêm ruột, tiêu chảy, lỵ, trĩ, viêm túi mật, viêm gan, sốt cao và mụn nhọt. Với những tác dụng chữa bệnh phong phú, thảo dược này được coi là một trong những vị thuốc quý hiếm của y học cổ truyền.