Trong quan niệm của y học cổ truyền, bốc hỏa là hiện tượng nhiệt năng trong cơ thể tăng cao, làm cho người bệnh cảm thấy nóng bừng ở đầu, mặt, ngực, kèm theo các triệu chứng như khô miệng, đổ mồ hôi, tiểu vàng, táo bón.
Trong quan niệm của y học cổ truyền, bốc hỏa là hiện tượng nhiệt năng trong cơ thể tăng cao, làm cho người bệnh cảm thấy nóng bừng ở đầu, mặt, ngực, kèm theo các triệu chứng như khô miệng, đổ mồ hôi, tiểu vàng, táo bón.
Theo y học cổ truyền, nguyên nhân sâu xa thường do sự suy yếu của âm khí, khiến cho dương hỏa không được kiềm chế mà bốc lên. Ngoài ra, chế độ ăn uống thất thường, căng thẳng tinh thần, hay sự thay đổi thất thường của thời tiết cũng có thể kích thích chứng bốc hỏa xuất hiện.
Danh y Hải Thượng Lãn Ông từng nhấn mạnh rằng: muốn điều trị bốc hỏa phải "dẫn hỏa quy nguyên", tức là thuận theo tính chất của hỏa để đưa nó quay trở về vị trí cũ, giữ cho âm dương trong cơ thể được cân bằng. Dưới đây là những bài thuốc được ứng dụng phổ biến, tùy theo từng thể bệnh mà điều chỉnh cho phù hợp.
Bốc hỏa do can vị uất nhiệt
Nếu bốc hỏa xuất phát từ sự bất ổn của gan và dạ dày, người bệnh thường cảm thấy nóng bừng ở đầu, mặt đỏ bừng, miệng khô khát, dễ nổi giận, ra nhiều mồ hôi, tiểu tiện vàng và đại tiện khó khăn. Trong trường hợp này, nguyên tắc trị liệu là thanh can, mát vị và giáng hỏa.
Bài thuốc được sử dụng là Tả vị can hỏa thang, gồm cát căn (120g), nhân sâm (40g), thăng ma (12g), thanh hao (12g), hoàng kỳ (12g) và cam thảo (6g). Sắc uống hàng ngày giúp làm mát gan, hạ nhiệt, đồng thời hỗ trợ phục hồi nguyên khí cho cơ thể.
Bốc hỏa do phế vị nhiệt kết
Khi tình trạng bốc hỏa liên quan đến phổi và dạ dày, người bệnh sẽ có cảm giác khô miệng, cổ họng nóng rát như bị đốt, kèm theo ho khan hoặc ho đàm vàng, ăn uống nhanh đói, người nóng ran.
Để điều hòa tình trạng này, bài thuốc Tả phế vị hỏa thanh vị thang được áp dụng, với các vị thuốc như sinh địa (20g), nhân sâm (20g), trúc diệp (20g), cúc hoa (16g), đơn bì (16g), bạch giới tử (12g), trần bì (12g) và mạch môn (20g). Bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt phế vị, dưỡng âm, làm dịu cảm giác khô nóng trong cơ thể.
Bốc hỏa do thận hư hỏa vượng
Theo TS Lê Xuân Hùng – giảng viên khoa Y học cổ truyền Trường Đại học Lương Thế Vinh cho biết, nếu cảm giác nóng bốc lên kèm theo nóng ran vùng lưng dưới và bàn chân, tiểu tiện vàng sẫm, đây có thể là dấu hiệu của chứng bốc hỏa do thận yếu.
Bài thuốc thích hợp cho thể bệnh này là Tri bá địa hoàng hoàn, kết hợp các dược liệu như thục địa (32g), hoài sơn (18g), đơn bì (18g), sơn thù du (12g), phục linh (12g), trạch tả (14g), sa tiền tử (10g), tri mẫu (12g) và hoàng bá (12g). Bài thuốc giúp bổ âm, hạ hỏa, lợi tiểu và giải trừ thấp nhiệt trong cơ thể.
Bốc hỏa do âm hư nội nhiệt
Đối với những trường hợp âm khí hư tổn khiến dương hỏa không được chế ngự, bệnh nhân thường bốc nóng lên đầu mặt, khô họng, táo bón và ra nhiều mồ hôi.
Phương pháp điều trị là bổ âm và thanh hỏa, sử dụng Lục vị hoàn gia giảm, gồm thục địa (24g), hoài sơn (12g), sơn thù du (12g), đơn bì (9g), trạch tả (9g), phục linh (9g), gia thêm ngưu tất (12g), mạch môn (12g) và ngũ vị tử (8g). Các vị được tán nhỏ, luyện mật làm hoàn, ngày dùng 8–12g với nước sôi để nguội hoặc nước muối nhạt.
Trong y học cổ truyền, câu nói "Người già không thể rời Lục vị hoàn" cho thấy vai trò quan trọng của việc dưỡng âm trong việc duy trì sức khỏe ở người lớn tuổi. Khi âm huyết đầy đủ, ngọn hỏa tự ổn định, giúp cơ thể tránh được nhiều bệnh tật.