Sau hai năm giữ ổn định mức học phí, hoặc tăng nhẹ vì dịch Covid-19, năm học 2022 -2023 học phí các trường đại học dự kiến sẽ tăng mạnh.
Sau hai năm giữ ổn định mức học phí, hoặc tăng nhẹ vì dịch Covid-19, năm học 2022 -2023 học phí các trường đại học dự kiến sẽ tăng mạnh.
Theo ghi nhận của ban tuyển sinh trường đại học Lương Thế Vinh, một số trường đại học trên địa bàn cả nước đã thông báo dự kiến tăng học phí trong năm học 2022 – 2023. Cụ thể:
Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ điều chỉnh tăng lên ở mức 44,368 triệu đồng đồng/năm với nhóm ngành y khoa, dược học, răng - hàm - mặt; và 41 triệu đồng ở nhóm ngành đào tạo còn lại. Như vậy năm nay mức học phí dự kiến của trường sẽ tăng lên gấp 3 lần so với năm trước (học phí năm 2021 của trường là 14.300.000 đồng/năm)
Các ngành y, dược của trường đại học Quốc tế Hồng Bàng cũng dự kiến tăng mức học phí, cụ thể ngành Răng – Hàm – Mặt chương trình tiếng Việt có mức học phí năm 2022 là 105 triệu/ học kỳ, tăng 14 triệu so với mức học phí cũ. Ngoài ra trường cũng tăng học phí với chương trình đào tạo bằng tiếng anh, mức học phí tăng từ 110 triệu đồng/ học kỳ lên 125 triệu đồng/ học kỳ.
Năm 2022 – 2023, Trường ĐH Kinh tế TPHCM tăng mức học phí lên 785.000 đồng/tín (tức rơi vào khoảng 24,8 triệu/ năm) đối với chương trình chuẩn, mức học phí này dự kiến còn tăng trong các năm tiếp theo, cụ thể năm học 2023 - 2024 là 863.500 đồng/tín chỉ (27,2 triệu đồng/năm) và năm học 2024 - 2025 là 950.000 đồng/tín chỉ (29,9 triệu đồng/năm).
Năm học 2022 - 2023, năm đầu tiên Trường đại học KHXH&NV, ĐHQG TPHCM thực hiện mức học phí mới theo cơ chế tự chủ. Theo đó mức học phí từ 16 - 60 triệu đồng/năm cho hệ đại trà và chất lượng cao.
Bên cạnh những trường đại học kể trên, còn rất nhiều trường đại học khác thông báo tăng học phí trong năm 2022 – 2023.
Việc các trường dự kiến mức tăng học phí khiến không ít phụ huynh, sinh viên lo lắng, đặc biệt là những ảnh hưởng của đại dịch vẫn còn đang khá nặng nề.
Tuy nhiên theo đánh giá chuyên môn, việc các trường đại học đồng loạt tăng học phí trong năm học 2022 – 2023 là đúng lộ trình, xuất phát từ Nghị định 81/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Cụ thể theo nghị định, mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư chưa tự chủ được áp dụng theo khối ngành, chuyên ngành đào tạo.
Theo đó, học phí khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên là 12,5 triệu đồng/năm (tăng 2,7 triệu đồng); khối ngành nghệ thuật là 12 triệu đồng/năm (tăng 0,3 triệu đồng); khối ngành kinh doanh và quản lý, pháp luật là 12,5 triệu đồng/năm (tăng 2,7 triệu đồng); khối ngành khoa học sự sống, khoa học tự nhiên 13,5 triệu đồng/năm (tăng 0,8 triệu đồng); khối ngành toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật 14,5 triệu đồng/năm (tăng 2,8 triệu đồng).
Mức tăng mạnh đến từ khối ngành y dược 24,5 triệu đồng/năm (tăng 10,2 triệu đồng); các khối ngành sức khỏe khác 18,5 triệu đồng/năm (tăng 4,2 triệu đồng); khối ngành nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội 12 triệu đồng/năm (tăng 2,2 triệu đồng).
Còn với các cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ tài chính, mức học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí với trường chưa tự chủ.
Việc tăng học phí của các trường sau 2 năm thực hiện hàng loạt chính sách ổn định học phí, tăng cường chính sách hỗ trợ cho sinh viên ảnh hưởng của dịch Covid-19, gia tăng quỹ học bổng… theo nhiều cán bộ quản lý các trường là buộc phải làm nếu không muốn đối mặt bài toán lạm chi.
Và để giảm áp lực học phí cho sinh viên khó khăn, các đơn vị xây dựng cơ chế hoạt động mới. Với mức học phí mới, các trường đều tính toán giải pháp, nguồn quỹ để hỗ trợ cho sinh viên gặp khó khăn về tài chính. Thầy Mai Quốc Chánh – nguyên hiệu trưởng trường đại học Lương Thế Vinh nhận định việc tăng học phí của các trường đại học là cần thiết, bởi tăng học phí giúp các trường bảo đảm điều kiện gia tăng chất lượng và xây dựng chuẩn đầu ra cho chương trình đào tạo.
Tuy nhiên theo thầy việc tăng học phí này nên cân nhắc để tạo điều kiện hơn cho các em học sinh, mức tăng của các trường cũng không nên quá đột ngột, ảnh hưởng đến tâm lý sợ học của học sinh, sợ nuôi con học đại học của các bậc phụ huynh. Dự kiến năm học 2022 – 2023 trường đại học Lương Thế Vinh vẫn giữ ổn định mức học phí như năm cũ để khuyến khích tinh thần học tập của các em học sinh, đặc biệt là các thí sinh trên khu vực địa bàn tỉnh.