Đôi dòng tâm sự của một người kỹ sư Xây dựng công trình giao thông

Thứ ba, 10/05/2022 | 21:49

Hôm nay mình xin chia sẻ Đôi dòng tâm sự của người kỹ sư Xây dựng công trình giao thông. Mong rằng sẽ tiếp thêm nguồn cảm hứng cho những bạn trẻ đang có đam mê theo đuổi nghề Kỹ sư xây dựng công trình.

"Xây dựng công trình giao thông là nghề vẽ bức tranh cuộc sống bằng xi măng và sỏi đá”, ai đó đã viết như thế, có vẻ thi vị hóa về ngành Xây dựng. Nhưng những anh em đã làm nghề Xây dựng đều đồng cảm. Khi bạn đến đó chỉ là bãi đất bỏ hoang, hay những vũng bùn lầy cỏ mọc um tùm. Khi công trình hoàn thành, đó sẽ là những con đường giao thông huyết mạch, cây cầu bắc ngang sông hay một con đường đi giữa đại dương. Công trình là biết bao nhiêu tâm huyết, mồ hôi và nước mắt của anh em kỹ sư đã cùng nhau "chiến đấu" ngày đêm.

ky-su-xay-dung

Thấy được niềm vui của người dân, sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế nhờ giao thông thuận tiện trên công trình mà mình vừa hoàn thành là niềm hạnh phúc của anh em kỹ sư. Đó chính là điều đã giúp mình ngày càng trân trọng và gắn bó công việc này hơn. Hôm nay mình xin chia sẻ Đôi dòng tâm sự của người kỹ sư Xây dựng công trình giao thông. Mong rằng sẽ tiếp thêm nguồn cảm hứng cho những bạn trẻ đang có đam mê theo đuổi nghề Kỹ sư xây dựng công trình.

Mình xin tự giới thiệu về bản thân một chút. Mình là cựu sinh viên Đại học Lương Thế Vinh, đã từng làm việc cho dự án Hoàng Anh Gia Lai tại Myanmar. Vị trí của mình là kỹ sư tư vấn giám sát, lương 2000 UDS/tháng. Mình đến với nghề Xây dựng như một cái “duyên” nhưng mình nguyện theo đuổi nó suốt đời. Mình trân trọng cái nghề Xây dựng, không ngừng trau dồi để hoàn thiện bản thân và phát triển sự nghiệp.

Công việc của một kỹ sư Xây dựng công trình là gì?

Kỹ sư Xây dựng công trình có thể là người làm tư vấn, tính toán thiết kế kết cấu hoặc có thể là người thi công công trình xây dựng. Kỹ sư xây dựng có trách nhiệm đảm bảo các công trình hoàn thành theo đúng chất lượng, tiến độ, đúng thiết kế. Xây dựng là một ngành “khó” vì đòi hỏi đúng tiêu chuẩn kỹ thuật vậy nên cần có sự đam mê và tinh thần trách nhiệm. Đặc thù của nghề Xây dựng là những đêm thức trắng trực bê tông mà không có đam mê và trách nhiệm thì không làm được. Với những người “nhanh chán” thì Xây dựng sẽ là lựa chọn lý tưởng. Vì trong ngành Xây dựng các bạn liên tục được tiếp cận với những cái mới. Mỗi công trình có một đặc thù riêng về thiết kế, biện pháp thi công, hoàn thiện, không có sự lặp đi lặp lại. Chỉ từ những thứ xù xì, thô ráp như xi măng, sắt thép mà người kỹ sư có thể tạo ra một công trình mang tính biểu tượng như cầu rồng Đà Nẵng đấy các bạn ạ.

Làm sao để có thể theo đuổi được nghề Xây dựng?

Để có thể thành công với nghề thì “đam mê” và “tinh thần cầu tiến” là hai yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong công việc. Đã chọn theo nghề này phải chấp nhận vất vả, thức đêm thức hôm, cần thường xuyên trau dồi, cập nhật kiến thức. Tiêu chuẩn, quy chuẩn cần cập nhật mới cho phù hợp, không thể đem cái cũ ra áp dụng được. Bất kì ngành nghề nào muốn thành công cũng phải bỏ công sức, xây dựng cũng không ngoại lệ. Muốn thiết kế giỏi bạn phải ngồi 8 giờ/ngày (hoặc hơn) trước máy tính, tìm hiểu tiêu chuẩn, quy phạm thiết kế. Để trở thành người chỉ huy trưởng giỏi bạn phải dầm mưa, giãi nắng hàng giờ liền sao cho công trình kịp tiến độ và đảm bảo chất lượng. Không có tinh thần cầu tiến và đam mê với công việc thì chắc chắn bạn sẽ sớm bỏ cuộc thôi.

Đôi dòng tâm sự của người kỹ sư Xây dựng công trình

Mức lương của kỹ sư Xây dựng công trình giao thông có cao không?

Nếu ai hỏi: “Kỹ sư Xây dựng công trình giao thông lương có cao không?” mình có thể khẳng định là không cao. Lương của kỹ sư Xây dựng khởi đầu có thể chỉ ngang tầm bác công nhân. Tuy nhiên nếu bạn có năng lực, có trách nhiệm sẵn sàng cống hiến thì chắc chắn bạn sẽ được hưởng mức lương xứng đáng. Có thể sau 3-5 năm bạn lên làm Chủ trì thiết kế hay Chỉ huy phó công trình thì mức lương sẽ rơi vào tầm 15 triệu/tháng. So với mức lương của các ngành khác trong xã hội thì chưa phải là cao. Nhưng nếu hỏi: “Ngành này có tương lai hay không?” thì câu trả lời là “Có”. Những ai đang lưỡng lự khi chọn ngành, hãy mạnh dạn học, mạnh dạn theo đuổi ước mơ của mình và biến nó thành hiện thực. Cơ hội thành công của ngành Xây dựng rất lớn, bạn không sợ "thất nghiệp" đâu. Nhu cầu tuyển dụng kỹ sư trong ngành Xây dựng luôn rất lớn. Lựa chọn công việc kỹ sư Xây dựng rất đa dạng. Có thể kể đến như kỹ sư thiết kế, kỹ sư thi công, kỹ sư dự toán, kỹ sư quản lý dự án, kỹ sư giám sát. Đối với sinh viên mới ra trường thì mức lương rơi vào tầm 7 triệu/tháng, nếu các bạn chịu khó "cày thêm", thì mức thu nhập cũng vô chừng.

Làm nghề Xây dựng “được” và “mất” những gì?

Đến với nghề Xây dựng mình thấy cái “được” lớn nhất là niềm hạnh phúc mỗi khi nhìn thấy một công trình được hoàn thành. Cảm giác vui sướng khi thấy “đứa con tinh thần” được hiện diện trong cuộc đời này thật khó diễn tả. “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất đã hóa linh hồn”.  Công trình là tâm huyết, mồ hôi và nước mắt của anh em kỹ sư đã cùng nhau "chiến đấu" ngày đêm. Thấy được niềm vui của những người dọn đến ngôi nhà mới mà mình vừa hoàn thành là niềm hạnh phúc của anh em kỹ sư.

Còn nói về cái “mất” trong nghề này, mình hay nói đùa: “Đó là nghề tàn phá nhan sắc”. Đặc thù nghề Xây dựng làm việc trong môi trường khắc nghiệt, giãi nắng dầm mưa, nguy hiểm luôn rình rập. Đối mặt áp lực công việc, áp lực tiến độ lớn và liên tục nên sẽ thật sự cảm thấy đuối sức và bỏ dở giữa chừng nếu không đam mê. Đặc biệt với ngành Xây dựng công trình giao thông việc phải công tác xa nhà, ăn ngủ tại công trường là việc thường xuyên.

Ngành Xây dựng vốn chịu nhiều “điều tiếng”. Nhưng mình tin, thế hệ trẻ chúng ta có thể thay đổi được những định kiến đó. Đất nước đang phát triển, các ngành Kỹ thuật nói chung và ngành Xây dựng nói riêng sẽ có nhiều cơ hội. Sinh viên Xây dựng nên học tập và rèn luyện tốt để sẵn sàng bước vào thị trường lao động khắc nghiệt. Góp phần xây dựng những công trình để đời là điều tuyệt vời đối với một kỹ sư. Đừng ngần ngại gì mà không quyết liệt với đam mê các bạn nhé! 

Đôi dòng tâm sự của người kỹ sư Xây dựng công trình

Trên đây là Đôi dòng tâm sự của người kỹ sư Xây dựng công trình giao thông mà mình muốn gửi tới các bạn. Tựu chung lại thì có yêu thì mới gắn bó, sống chết với ngành nghề mà mình đã chọn được. 

Chúc các bạn tân kỹ sư may mắn và thành công nhé!

Tại sao bạn nên chọn học ngành xây dựng?

Tại sao bạn nên chọn học ngành xây dựng?

Ngành xây dựng luôn là một trong những lĩnh vực cực kỳ quan trọng và đòi hỏi nhiều năng lực và tài năng. Nếu bạn đang tìm kiếm một ngành nghề có tương lai tốt và cung cấp cơ hội phát triển rộng rãi, học ngành xây dựng là một lựa chọn tuyệt vời
Đường sắt quanh sa mạc đầu tiên thế giới đã được hoàn thành tại Trung Quốc

Đường sắt quanh sa mạc đầu tiên thế giới đã được hoàn thành tại Trung Quốc

Trung Quốc công bố hoàn thành, đưa vào hoạt động tuyến đường sắt quanh sa mạc đầu tiên trên thế giới ở Tân Cương vào ngày 15.6.2022
Xét tuyển Đại học và Miễn 100% học phí năm 2023

Xét tuyển Đại học và Miễn 100% học phí năm 2023

Trường Đại học Lương Thế Vinh thông báo miễn 100% học phí năm 2023 và xét tuyển Đại học hệ chính quy năm 2023 bằng 2 phương thức: Xét học bạ THPT năm lớp 12 hoặc xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Ưu điểm khi học Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông tại Đại học Lương Thế Vinh

Ưu điểm khi học Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông tại Đại học Lương Thế Vinh

Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông là một trong những ngành nổi bật tại Trường Đại học Lương Thế Vinh và được xem là đơn vị đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành nhiều năm qua.
Đăng ký trực tuyến