Huyết giác, một loại thảo dược có nguồn gốc từ Y học cổ truyền, nổi bật với thành phần độc đáo được chiết xuất từ chất gỗ màu đỏ đặc biệt. Loại cây này chỉ có trên thân cây già cỗi, bị tổn thương bởi sâu bệnh hoặc nấm mà khoa học chưa khám phá. Huyết giác đã được ghi chép trong y văn với khả năng chữa trị ứ máu và giảm bầm máu không tan do chấn thương.
Để hiểu rõ hơn về công dụng và cách sử dụng của Huyết giác, chúng ta sẽ đồng hành cùng Giảng viên từ Trường Cao đẳng Y dược Pasteur. Cùng khám phá những bí mật và lợi ích y học của loại thuốc độc đáo này!
Tên khoa học: Dracaena cambodiana, Chi Dracaena, Họ Dracaenaceae (Bồng bồng), Bộ Asparaqaceae (Măng tây).
Vị thuốc Huyết giác Là lõi gỗ phần gốc thân có chứa chất màu đỏ đặc biệt, đã phơi hay sấy khô của cây Huyết giác, thuộc họ Dracaenaceae
Cây và hoa huyết giác
1.1. Mô tả thực vật:
Đây là một loại cây nhỏ, thường cao từ 1 - 1,5m, có thể đạt đến 2 - 3m và có tuổi thọ lâu dài. Thân cây chia thành nhiều nhánh. Đường kính của cây nhỏ thường dao động từ 1,6 đến 2cm, trong khi cây lớn có thể đạt đến 20 - 25cm.
Lá của cây có hình dạng lưỡi kiếm, cứng, có màu xanh tươi, chiều dài trung bình từ 25 đến 80cm và chiều rộng từ 3 - 4cm đến 6 - 7cm. Lá mọc cách nhau và không có cuống. Khi lá rụng, chúng để lại trên thân cây một vết sẹo, thường chỉ còn một bó lá ở phần đỉnh của cây.
Hoa của cây mọc thành chùm dài có thể lên đến 1m, có đường kính lên đến 1,5 - 2cm ở phần cuống. Lá nhỏ trên chùm có chiều dài khoảng 15cm và chiều rộng 2cm, phân cành nhỏ có thể đạt đến 30cm. Hoa xuất hiện tụ từng 2 - 4 hoa gần nhau, nhỏ với đường kính khoảng 7 - 8mm và có màu lục vàng nhạt.
Quả của cây có hình cầu với đường kính khoảng 1cm. Khi quả khô, chúng có màu đen với đường kính khoảng 6 - 7cm và hình dạng hạt giống như hình cầu.
Mùa ra hoa và quả: từ tháng 2 - 5.
Hoa huyết giác
1.2. Phân bố, sinh trưởng:
Cây Huyết giác được phân bố chủ yếu tại những khu vực có khí hậu phù hợp, bao gồm các khu vực phía nam của Trung Quốc và Campuchia.
Ở Việt Nam, loài cây Huyết giác mọc rải rác trên các núi đá vôi ở khắp các tỉnh thành, từ Bắc đến Nam. Cây thường phát triển mạnh mẽ ở các tỉnh như Hòa Bình, Ninh Bình, Sơn La, Điện Biên, cũng như ở các vùng núi đá xanh như Hà Nam, Hà Tây, Quảng Ninh, Nam Định, Hoà Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh. Trên các núi đất thì không phát hiện được cây Huyết giác.
Cây này thường xuất hiện ở những khu vực núi đá, sống trên vách núi đá và có thể tồn tại hàng trăm năm. Gỗ của cây chỉ xuất hiện ở những cây già, đã chết và đổ nát. Cây Huyết giác có màu đỏ hoặc có thể có nhiều đám màu đỏ, tuy nhiên, về hương vị, không có điều gì đặc biệt. Những khu vực có màu đỏ thường tạo nên ấn tượng như được tạo ra bởi sự tác động của một loài sâu nào đó đã đục khoét cây.
Hình ảnh cây Huyết giác cổ thụ
2. Bộ phận dùng làm thuốc , Thu hái – chế biến:
- BPD: Vị thuốc Huyết giác có thành phần chính là lõi gỗ ở phần gốc thân, chứa chất màu đỏ đặc biệt, đã được phơi hoặc sấy khô. Quá trình chế biến bao gồm việc loại bỏ chỗ gỗ mục, rửa sạch, và phơi khô. Hoặc có thể được thái thành miếng dài có độ dày từ 3 đến 5cm khi dược liệu còn mềm và ấm. Chất liệu này có độ cứng chắc, không có mùi, và có vị hơi chat
-Thu hái: Hiện tại, nguyên nhân tạo ra Huyết giác chưa rõ liệu có phải do sâu hay loại nấm nào không, cũng như thời gian từ khi cây chết đến khi có Huyết giác là bao lâu vẫn chưa được xác định. Quá trình thu hái có thể thực hiện quanh năm và chỉ cần chặt về rồi phơi khô là có thể sử dụng.
Huyết giác hiện nay được thu mua để sử dụng trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn chưa xác định được trong Đông y Trung Quốc, Huyết giác được sử dụng vào mục đích gì và dưới tên gọi nào. Tên "Huyết giác" chỉ là cách mà các nhà Đông y Việt Nam thường gọi.
Trong Y học cổ truyền Trung Quốc, có một vị thuốc được biết đến với tên gọi là Huyết rồng. Tuy nhiên, vị thuốc này được chiết xuất từ nhựa của cây Huyết giác Dracaena cochinchinensis và được đóng lại dưới dạng khối cứng, không giống như Huyết giác của Việt Nam có dạng gỗ.
- Chế biến: Quá trình chế biến của Huyết giác bao gồm việc thu hái quanh năm, lấy gỗ từ những cây Huyết giác già, lâu năm đã chết, lõi gỗ đã chuyển sang màu đỏ nâu. Sau đó, loại bỏ phần vỏ ngoài, gỗ mục, và giác trắng. Gỗ được thái thành các lớp mỏng và phơi hoặc sấy khô.
ở Trung Quốc Cây và dược liệu tên là Huyết rồng
3. Thành phần hoá học
- Dựa vào nghiên cứu sơ bộ, đã xác định rằng Huyết giác không chứa chất nhựa và Carmin
- Chỉ biết Trong Huyết giác, có chất màu đỏ tan trong cồn, aceton, và acid. Tuy nhiên, không tan trong ête, clorofom và benzen. Khi tiếp xúc với kiềm, màu đỏ vàng ban đầu chuyển sang màu da cam. (Bộ môn Dược liệu và thực vật Trường đại học Dược Hà nội, 1961).
- Nhựa trong gỗ Huyết giác gồm hỗn hợp C6H5-CO-CH2-CO-OC8H9O và dracoresinotanol chiếm 57 - 82%, dracoalben khoảng 2,5%, dracoresen 14%, phlobaphen 0,03%, nhựa không tan 3%, tro 8,3%, tạp thực vật 10,4%.
4. Tác dụng dược lý
*Theo Đông y :
Huyết giác vị đắng nhẹ, chát, tính bình, vào hai kinh tâm và can,
có tác dụng tiêu huyết ứ, hoạt huyết, chỉ huyết. thông mạch,
Huyết giác được sử dụng để điều trị các vết thương, bầm tím, và tình trạng tụ máu.
* Theo y học hiện đại
Huyết giác cũng được nghiên cứu từ góc độ y học hiện đại với các tác dụng sau:
- Tác dụng chống đông máu: Thí nghiệm trên ống kính và dịch chiết huyết giác cho thấy có khả năng ức chế kết tập tiểu cầu do ADP gây nên, từ đó ngăn chặn sự hình thành huyết khối.
- Tác dụng kháng khuẩn: Chiết từ huyết giác có tác dụng ức chế sự phát triển của Staphylococcus aureus và một số loại nấm gây bệnh.
-Tác dụng khác:
+ Tiêm phúc mạc với dịch chiết huyết giác có thể nâng cao tỷ lệ súc vật sống sót trong điều kiện thiếu oxy và giảm áp suất.
+ Tiêm bắp dịch huyết giác có thể giảm hàm lượng glycopen trong gan và tăng lượng IgG và IgA trong máu trên thỏ.
+ Thí nghiệm trên hệ mạch tai thỏ cho thấy chiết cồn của huyết giác có tác dụng giãn mạch.
5. Công dụng và liều dùng
5.1. Công dụng
Huyết giác được sử dụng với các công dụng chính như sau:
- Giảm đau: Huyết giác có khả năng giảm cảm giác đau trong cơ thể.
- Tan máu ứ: Hỗ trợ quá trình tan máu ứ trong cơ thể.
- Sinh ra máu mới: Kích thích sự hình thành máu mới trong cơ thể.
Chủ trị:
Dùng uống để chữa các tình trạng chấn thương máu tụ, sưng đau.
Hỗ trợ sau quá trình sinh nở khi có hiện tượng huyết hôi ứ trệ.
Liều dùng hàng ngày từ 8g đến 12g, có thể kết hợp trong các bài thuốc hoặc sử dụng trong ngâm rượu để xoa bóp hoặc uống.
- Người dân Việt Nam thường ngâm rượu huyết giác với tỉ lệ 2:10 để chữa đau mỏi sau khi lao động nặng, sưng chân sau các chuyến đi xa, đặc biệt trong việc chữa tụ máu khi bị thương (uống và xoa bóp).
- Ở Trung Quốc, Huyết giác được sử dụng để chữa lao hạch vỡ mủ thông qua cách sao 8g huyết giác, 20 quả đại táo sao thành than, 16g địa hoàng khô, sau đó nghiền thành bột và làm thành cao dán.
6. Một số bài thuốc kinh nghiệm
6.1. Chữa trị vết thương ứ huyết, bầm tím
Dùng Huyết giác, rễ cốt khí củ, rễ cỏ xước, rễ lá lốt và bồ bồ mỗi vị 10g, dây đau xương 3g, cam thảo nam 8g, mã đề 6g.
Sắc nước uống,Đồng thời, kết hợp việc ngâm rượu huyết giác cùng với địa liền, thiên niên kiện, đại hồi, bột long não, quế chi để xoa bóp ngoài.
6.2. Làm thuốc bổ máu
Huyết giác, hoài sơn, hà thủ ô, quả tơ hồng, đỗ đen sao cháy, 100g mỗi loại cùng với vừng đen 30g, ngải cứu 20g, gạo nếp rang 10g. Tán hỗn hợp thành bột, sau đó trộn với mật để tạo thành viên. Uống hàng ngày từ 10 – 20g.
6.3.Lưu thông máu, giảm đau do bị bong gân:
Kết hợp huyết giác với quế chi, đại hồi, địa liền, và một số thành phần khác đã tán nhỏ. Ngâm hỗn hợp này trong rượu trắng, sau đó bôi vào vùng đau và xoa bóp để đạt hiệu quả.
6.4.Chữa trị vết tụ máu do té ngã hay do bị phong thấp, đau nhức:
Huyết giác cùng với huyết dụ cả cây được sắc lên và uống. Sử dụng trong thời gian 7-10 ngày.
7. Lưu ý khi dùng Huyết giác
Tuyệt đối không nên sử dụng cho Phụ nữ có thai
Tóm lại, Huyết giác được coi là một dược liệu Đông y quý và hiếm, đặc biệt được ưa chuộng trong nhiều bài thuốc truyền thống dùng để đặc trị các vết thương có tụ máu. Theo sự phát triển của y học, các nghiên cứu ngày càng khám phá ra nhiều ứng dụng hiệu quả của cây này, tạo ra những sản phẩm thảo dược có giá trị cao, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe con người. Huyết giác ngày càng trở thành một phần quan trọng trong tủ thuốc gia đình. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và đạt được hiệu quả tốt nhất, việc tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế là cần thiết, giúp tránh được những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra trong quá trình sử dụng./.
Trong quan niệm của y học cổ truyền, bốc hỏa là hiện tượng nhiệt năng trong cơ thể tăng cao, làm cho người bệnh cảm thấy nóng bừng ở đầu, mặt, ngực, kèm theo các triệu chứng như khô miệng, đổ mồ hôi, tiểu vàng, táo bón.
Chu sa, hay còn gọi là thần sa, là vị thuốc quý trong Y học cổ truyền, nổi tiếng với khả năng thanh nhiệt, an thần, trấn tĩnh tâm trí và ổn định tinh thần.
Trong kho tàng dược liệu Y học cổ truyền, Tục đoạn là một trong những vị thuốc được đánh giá cao nhờ công dụng phong phú và hiệu quả rõ rệt, đặc biệt trong việc hỗ trợ xương khớp, an thai và chữa trị tổn thương do sang chấn.
Bổ cốt chỉ là một vị thuốc Nam có giá trị cao trong kho tàng y học cổ truyền. Với khả năng hỗ trợ chức năng thận, cải thiện tiêu hóa và tăng cường sinh lực, bổ cốt chỉ thường xuất hiện trong nhiều bài thuốc cổ phương điều trị các chứng bệnh mạn tính.