Trong y học cổ truyền, đau lưng là một triệu chứng thường gặp, xuất phát từ sự mất cân bằng khí huyết, thận khí suy yếu hoặc tắc nghẽn kinh lạc. Các nguyên nhân và phương pháp điều trị được giải thích theo nhiều yếu tố khác nhau.
Trong y học cổ truyền, đau lưng là một triệu chứng thường gặp, xuất phát từ sự mất cân bằng khí huyết, thận khí suy yếu hoặc tắc nghẽn kinh lạc. Các nguyên nhân và phương pháp điều trị được giải thích theo nhiều yếu tố khác nhau.
Theo giảng viên khoa Y học cổ truyền Trường Đại học Lương Thế Vinh, TS Nguyễn Xuân Xã chỉ ra nguyên nhân đau lưng là do:
1. Thận hư
Theo quan điểm YHCT, thận chủ xương cốt và tủy. Thận khí suy yếu sẽ dẫn đến sự không thông suốt của kinh lạc và gây đau lưng.
Đau lưng do thận hư thường kèm theo các triệu chứng như mỏi gối, cơ thể suy nhược, chóng mặt, ù tai, và chân tay lạnh.
2. Hàn thấp xâm nhập
Khi khí hàn hoặc ẩm thấp thâm nhập vào cơ thể, kinh mạch bị tắc nghẽn và gây đau lưng.
Triệu chứng thường gặp là đau lưng nặng hơn vào ngày trời lạnh hoặc ẩm ướt, cơ thể cảm giác co cứng.
3. Khí huyết ứ trệ
Tắc nghẽn khí huyết làm hạn chế lưu thông năng lượng trong cơ thể, dẫn đến đau lưng cấp hoặc mãn tính.
Triệu chứng thường là đau đột ngột, nhức nhối, hoặc đau theo từng cơn.
4. Lao động quá sức
Y học cổ truyền cho rằng làm việc hoặc vận động quá mức khiến khí huyết không lưu thông tốt, dễ gây đau lưng kéo dài.
Các vị thuốc y học cổ truyền dưới đây được sử dụng rộng rãi nhằm hỗ trợ điều trị đau lưng, giúp bổ thận, cường gân cốt và tăng cường sức khỏe toàn diện:
1. Đỗ trọng
Đỗ trọng là vị thuốc nổi tiếng trong Đông y, có tác dụng bổ thận và mạnh gân cốt, thường được chỉ định trong các trường hợp đau lưng do thận hư. Theo “Thần Nông bản thảo kinh”, đỗ trọng giúp cường gân cốt, bổ khí và giảm đau hiệu quả.
Cách sử dụng:
Canh đỗ trọng: 40g đỗ trọng, 30g ngưu tất, 3 lát gừng tươi, 1 đôi thận lợn, nấu thành canh và dùng hàng ngày.
Rượu đỗ trọng: Ngâm 100g đỗ trọng tán thô trong 1200ml rượu trắng khoảng 1 tháng, uống mỗi ngày 2-3 lần, mỗi lần 15-20ml.
Lưu ý: Người có triệu chứng âm hư hỏa vượng nên thận trọng khi sử dụng.
2. Nhục thung dung
Nhục thung dung được mệnh danh là “nhân sâm sa mạc” với tác dụng bổ thận ích tinh, chữa đau lưng hiệu quả.
Cách sử dụng:
Cháo nhục thung dung: 35g nhục thung dung nấu cùng 100g gạo tẻ, chia ăn 2 lần trong ngày.
Rượu nhục thung dung: Ngâm 60g nhục thung dung và 100g dâm dương hoắc trong 1000ml rượu trắng khoảng 1 tuần, uống 2-3 lần/ngày, mỗi lần 15-20ml.
Lưu ý: Người bị âm hư hoặc táo bón không nên sử dụng.
3. Hà thủ ô
Hà thủ ô có tác dụng bổ can thận, dưỡng huyết và làm đen tóc. Vị thuốc này thường được sử dụng trong điều trị đau lưng do thận hư hoặc khí huyết suy yếu.
Cách sử dụng:
Cháo hà thủ ô: 15g hà thủ ô chín và 60g gạo tẻ, nấu cháo dùng hàng ngày.
Rượu hà thủ ô: Ngâm 60g hà thủ ô cùng 30g đương quy và 40g sinh địa trong 1000ml rượu trắng khoảng 1 tuần, uống 15ml mỗi ngày vào buổi sáng.
4. Đông trùng hạ thảo
Đông trùng hạ thảo có tính ấm, vị ngọt, giúp bổ khí huyết, tăng cường sức khỏe thận và giảm đau lưng hiệu quả.
Cách sử dụng:
Hầm với gà trống: Hầm 3-5g đông trùng hạ thảo với gà trống cách thủy, ăn 1 lần/tuần.
5. Tỏa dương
Tỏa dương có tính ấm, vị ngọt, giúp bổ thận và tráng dương, thường được sử dụng trong các trường hợp đau lưng và mỏi gối.
Cách sử dụng:
Cháo tỏa dương: Nấu cháo tỏa dương ăn hàng ngày để cải thiện tình trạng đau lưng.
Các vị thuốc trên đều có công dụng tốt trong việc điều trị đau lưng, nhưng cần tham khảo ý kiến bác sĩ Đông y trước khi sử dụng để tránh tác dụng phụ không mong muốn. Kết hợp với chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý sẽ giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và phòng ngừa đau lưng hiệu quả.