Để đón đầu nhu cầu thị trường lao động trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mùa tuyển sinh năm 2022 – 2023, nhiều trường đại học đã công bố chỉ tiêu, và các chương trình đào tạo mới.
Để đón đầu nhu cầu thị trường lao động trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mùa tuyển sinh năm 2022 – 2023, nhiều trường đại học đã công bố chỉ tiêu, và các chương trình đào tạo mới.
Ghi nhận của ban truyền thông, trường ĐH Lương Thế Vinh, sau khi Bộ GD&ĐT đã công bố quy chế tuyển sinh năm học 2022, hiện nay hầu hết các trường đại học đã công bố đề án tuyển sinh chính thức năm 2022. Theo đó một số thông tin liên quan đến ngành đào tạo, chỉ tiêu, phương thức xét tuyển có thể được điều chỉnh so với dự kiến từ đầu năm. Các thí sinh cần phải đặc biệt lưu ý để lựa chọn, tránh sai sót, nhầm lẫn.
Theo đề án mới công bố, năm nay là năm đầu tiên trường đại học Ngoại Thương tuyển sinh chương trình Marketing số ở trụ sở Hà Nội và Truyền thông Marketing kết hợp ở cơ sở TP HCM. Ngoài ra, chương trình chất lượng cao Kinh doanh số thuộc ngành Kinh doanh quốc tế cũng được trường cũng tuyển sinh thêm.
Trường Đại học Kinh tế trực thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội công bố đề án tuyển sinh với rất nhiều điểm mới, trong đó năm nay trường ra mắt 3 chương trình đào tạo tích hợp cử nhân và thạc sĩ các ngành Công nghệ Tài chính và Kinh doanh số với 150 chỉ tiêu, Công nghệ Thông tin Ứng dụng (An toàn không gian số, IoT và hệ thống nhúng) với 180 chỉ tiêu, Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp và Logistics với 70 chỉ tiêu. Cả 3 ngành học này đều rất cần thiết cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước trong cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngoài ra điểm mới của các chương trình này là lần đầu tiên tích hợp cả bậc cử nhân và thạc sĩ, sinh viên có cơ hội đăng ký học thẳng lên bậc thạc sĩ và tích lũy các tín chỉ của bậc thạc sĩ ngay từ năm cuối đại học.
Cùng thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, ba trường khác cũng mở các ngành đào tạo mới. Đại học Công nghệ có thêm chương trình cử nhân ngành Trí tuệ Nhân tạo. Đại học Việt Nhật mở chương trình kỹ sư ngành Kỹ thuật Xây dựng và ngành Nông nghiệp thông minh và bền vững. Khoa Các khoa học liên ngành có thêm khóa cử nhân Quản trị đô thị thông minh và bền vững, Quản lý giải trí và sự kiện. Đây đều là những ngành được dự báo có nhu cầu nhân sự lớn trong tương lai.
Công nghệ 4.0 phát triển, buộc nền giáo dục cũng phải thay đổi, thích ứng và phát triển. Ví như đào tạo các ngành đặc thù như Kỹ thuật xây dựng công trình thủy, kỹ thuật cấp thoát nước… vốn là thế mạnh của trường Đại học Thủy lợi. Năm nay trường đầu tư, mở thêm nhiều ngành mới phù hợp với xu thế như An ninh mạng, Kỹ thuật robot và Điều khiển thông minh, Kinh tế số. Trước đó trường ĐH Thủy lợi cũng đã có các ngành như Kỹ thuật phần mềm, Trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu nên có đủ đội ngũ, điều kiện để tuyển sinh các ngành mới này.
Đại diện nhà trường cho biết, việc mở các ngành mới xuất phát từ nhu cầu của học sinh, phụ huynh và đáp ứng nguồn nhân lực cho xã hội. Nhà trường cũng hướng đến việc sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ làm việc ở các doanh nghiệp trong và ngoài nước như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Có thể nói cho đến thời điểm hiện tại, trường có số lượng ngành mới mở nhiều nhất trên cả nước phải kể đến trường đại học Công nghệ TP HCM, với 9 ngành đào tạo mới trong năm nay. Xu thế mở thêm các ngành của trường ĐH Công nghệ TPHCM cũng đa số bắt nhịp thời đại như ngành Digital Marketing, Nghệ thuật số (Digital Art).